24/10/2024
Một số kỹ thuật trồng tre lục trúc lấy măng đạt hiệu quả kinh tế cao

Bài đăng Website tháng 10

Một số kỹ thuật trồng tre lục trúc lấy măng đạt hiệu quả kinh tế cao

Theo một số tài liệu được công bố, giống tre lục trúc được phân bố tự nhiên và chủ yếu tập trung ở vùng nhiệt đới của khu vực châu Á như Trung Quốc, Đài Loan. Hiện nay, loài cây này chỉ được thấy ở rừng trồng, nhiều nhất là ở Trung Quốc với 5 triệu cây chủ yếu tập trung tại rừng ở tỉnh Phú Kiên. Ngoài ra, ở Đài loan cũng có khoảng 4.459ha trồng loại thực vật này.

Ở Việt Nam, giống măng lục trúc được nhập từ Đài Loan về bắt đầu từ năm 1994 và được trồng thử nghiệm đầu tiên ở Ba Vì - Hà Nội. Ban đầu chỉ với quy mô 24ha, song đến năm 1997 trở đi nó đã được phát triển và mở rộng tại nhiều tỉnh thành khác,trong đó phải kể đến là Tân Yên - Bắc Giang. Kết quả trồng thử nghiệm tre lục trúc đã mang lại kết quả đầy triển vọng, cây sinh trưởng tốt và đạt năng suất măng khá cao.

Với nhiều thành phần dinh dưỡng dồi dào như chất khoáng, các loại vitamin,.. đồng thời cũng dễ dàng chế biến được nhiều món ăn thơm ngon, hấp dẫn, thậm chí là làm đồ hộp xuất khẩu, vì vậy mà măng lục trúc hiện nay được rất nhiều người ưa chuộng. Vậy chúng tôi sẽ chia sẻ cho bà con cách làm thế nào để hiệu quả với mô hình trồng trọt này. Khi măng lục trúc còn non phần thân sẽ có màu xanh sáng, đến khi trưởng thành sẽ chuyển dần sang màu xanh sẫm. Trong điều kiện ánh sáng mặt trời chiếu vào thường xuyên và khi già thì thân cây sẽ chuyển sang màu vàng. Thân ngầm của măng lục trúc có dạng củ từ 4 đến 8 mắt chồi. Thi thoảng cũng có 10 mắt nhưng không nhiều, thường thấy nhất là từ 2 đến 4 mắt chồi và có khả năng sinh măng lục trúc để phát triển thành cây. Đối với những mắt chồi còn lại sẽ không phát triển hoặc phát triển đến giai đoạn măng.

Thân khí sinh phần lớn sẽ phân cành bắt đầu từ đốt thứ 3 hoặc đốt thứ 4 trở đi. Ở mỗi đốt sẽ có một mắt và từ các mắt đó sẽ mọc ra nhiều cành nhỏ và ngắn, chỉ có một cành chính được phát triển lớn và dài hơn, lá to có màu xanh lục. Mỗi lóng lục trúc sẽ dài từ 30 đến 36cm, vách thân dày tầm 1cm. Măng tre lục trúc có màu sáng và phấn trắng, không có lông trừ khi phần màu tối lộ ra ở gốc của bẹ mo.

Một số đặc điểm sinh thái

Dựa vào một số mô hình trồng tre lấy măng giống lục trúc này kết hợp cùng với các tài liệu nước ngoài cho thấy trồng tre này phù hợp với những nơi có nhiệt độ trung bình hàng năm từ 18 đến 22 độ C. Ngoài ra, cây cũng có thể chịu lạnh được nhiệt độ thấp nhất mức - 9 độ C, song chỉ trong một thời gian ngắn. Lượng mưa thích hợp cho cây hàng năm là 1.400 đến 2.000mm, độ cao thích hợp là dưới 500m so với mực nước biển, độ dốc dưới 25 độ hoặc những nơi bằng phẳng, hơi dốc một chút vẫn được.

Bà con có thể trồng giống tre lục trúc ở nhiều loại đất khác nhau. Độ dày tầng đất từ 30cm trở lên, song tốt nhất vẫn là loại đất tầng dày như đất dốc tụ, đất bồi tụ giàu mùn ở ven sông, suối, đất tơi xốp, ẩm, thường xuyên được thoát nước hay khả năng thoát nước tốt. Hiện tại, Không phải ngẫu nhiên mà bà con lại chọn trồng giống tre lục trúc ở rất nhiều vùng niều nhất là ở tỉnh Bắc Giang. Hiện nay đã có rất nhiều hộ nông dân đã thành công và thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ mô hình này, có hộ đạt 2,5 đến 3 triệu đồng/ngày. Chính vì vậy một số chuyên gia chia sẻ với bà con Cách trồng tre lấy măng lục trúc đạt hiệu quả cao mang lại nguồn lợi kinh tế gia đình và xã hội.

1112345

                                         Ảnh minh họa

Kỹ thuật trồng tre lục trúc lấy măng

Cách trồng tre lấy măng lục trúc không quá khó, chỉ cần bà con thực hiện theo đúng hướng dẫn dưới đây:

Chọn đất và vị trí trồng

Như đã nói ở trên, giống tre lục trúc có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng cần đảm bảo độ dày tầng đất từ 30cm trở lên. Tốt nhất là đất dốc vụ và đất bồi tụ có tầng dày lớn hơn hoặc bằng 50cm, giàu mùn ở ven sông suối, đất tơi xốp, khả năng thoát nước tốt.

Ngoài ra, loại đất trồng tre lục trúc cũng phải yêu cầu có nhiệt độ trung bình hằng năm từ 18 đến 22 độ C, nhiệt độ thấp nhất cũng không được vượt quá - 9 độ C. Đặc thù của giống lục trúc là chỉ chịu được băng giá trong thời gian ngắn. Lượng mưa thích hợp cho giống cây này là từ 1.400 đến 2.000mm, độ cao dưới 500m so với mực nước biển, độ dốc dưới 25 độ hoặc địa hình bằng phẳng cho đến hơi dốc tầm 15 độ vẫn được.

Thời vụ trồng

Tương tự như thời vụ tạo giống hom gốc, thời vụ trồng lục trúc ở các vùng miền cũng có sự khác biệt. Đối với miền Bắc thích hợp nhất là từ tháng 2 đến tháng 4 hay từ tháng 7 đến tháng 8. Ở miền Trung thích hợp nhất là từ tháng 8 đến tháng 11, còn miền Nam và miền Tây Nguyên sẽ thích hợp hơn cả nếu bắt đầu từ khoảng tháng 5 đến tháng 8. Ngoài ra, bà con cũng nên trồng chúng vào những ngày có mưa hay trời râm mát.

Tạo cây giống tre lục trúc

Trong kỹ thuật trồng tre lục trúc lấy măng thì quá trình tạo cây giống là nhiệm vụ quan trọng và cần được bà con đặt lên hàng đầu. Theo đó, bà con cần tuân thủ nghiêm ngặt các bước như sau:

Chọn hom gốc

Hiện nay giống tre lục trúc sử dụng để trồng rừng phần lớn là giống vô tính, nhất là hom gốc. Theo đó người trồng sẽ chọn những cây tre trưởng thành từ 8 đến 12 tháng tuổi, thân khí sinh khỏe mạnh, không bị sâu, không bị cụt ngọn để tạo hom giống.

Tạo giống hom gốc

Hom gốc được tạo nên từ một phần thân khí sinh và phần thân ngầm liền kề gọi là củ. Đối với phần thân khí sinh sát với mặt đất có 2 lóng nguyên vẹn, một nửa lóng thứ 3 sẽ được cắt vát một góc 45 độ. Thân ngầm hay củ sẽ gồm phần liền kề thân khí sinh cho đến sát thân thân ngầm của cây mẹ được tách từ bụi cây mẹ và sinh trưởng bình thường.

Còn với thân khí sinh của hom gốc có chiều cao từ 30 đến 50cm, đường kính lóng thứ 3 lớn hơn 3cm, trên thân ngầm sẽ có ít nhất từ 2 mắt ngầm và còn tươi phân làm 2 bên. Ngoài ra hom gốc cũng yêu cầu không bị dập nát, nứt vỡ, không bị sâu bệnh hay mục thối.

Người trồng cần phải sử dụng đến dụng cụ để bới lộ toàn bộ phần thân ngầm nối với gốc cây mẹ. Đặt dụng cụ sắc ngay tại vị trí sát gốc cây mẹ để cắt thân ngầm. Sau khi lấy được hom gốc thì đem về trồng ngay hoặc đem giâm ở trong vườn ươm để khi sinh chồi từ các mắt trên thân khí sinh và bung hết lá thì mang đi trồng.

Thời vụ tạo giống hom gốc

Ở mỗi khu vực khác nhau thời vụ tạo giống hom gốc tre lục trúc sẽ có sự khác nhau. Cụ thể, ở miền Bắc sẽ từ tháng 2 đến tháng 4 hay từ tháng 7 đến tháng 8. Ở miền Trung bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 11. Cuối cùng, ở miền Nam và Tây Nguyên bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm.

Chuẩn bị đất: Xử lý thực bì, làm đất, bón lót và lấp hố

Xử lý thực bì

Đối với nơi có độ dốc bằng hoặc hơn 15 độ thì bà con nên chọn giải pháp xử lý thực bì cục bộ theo băng hay rạch. Lúc này chỉ phát toàn diện trên đường băng với kích thước giao động từ 2 đến 5m, xác thực vật được xếp theo hàng sát với bằng chừa và ở dưới dốc của băng chặt.

Còn nếu là nơi có địa hình bằng phẳng, độ dốc dưới 15 độ thì bạn có thể áp dụng phương pháp xử lý thực bì toàn diện bằng cách thủ công hoặc dùng xe cơ giới. Theo đó, hãy phát trắng thực bì trên diện tích đã được thiết kế để trồng rừng. Xác thực vật lúc này được gom lại và xếp theo các đường lô hay theo hàng xen giữa các hàng dự kiến cuốc hố trồng rừng. Toàn bộ các công việc này yêu cầu phải thực hiện trước khi tiến hành trồng khoảng 30 ngày.

Cách làm đất

Phần lớn bà con đều chọn giải pháp làm đất thủ công bằng cách dùng dụng cụ chuyên dụng để đào hố với kích thước từ 60x60x60cm hay 60x60x40cm. Điều cần lưu ý là khi đào hố phải đảm bảo lớp đất ở trên mặt được để sang một bên và lớp đất ở bên dưới để sang một bên. Hố được đào trước khi tiến hành trồng khoảng 15 ngày.

Bón lót và lấp hố

Bà con hãy sử dụng phân hữu cơ hay phân chuồng, phân xanh để bón lót liều lượng 15 đến 20kg/hố. Bón thêm 0.15 đến 0.2kg phân NPK tổng hợp tỷ lệ 5:10.3 rồi dùng cuốc gạt đi lớp đất ở trên mặt đã được đào trước đó xuống xung quanh hố đến khi được 2/3 hố. Trộn đều phân với đất ở trong hố rồi gặt tiếp đất còn lại vào hố cho ngang miệng hố. Công việc này cần thực hiện trước khi trồng từ 10 đến 15 ngày. Riêng với trường hợp bà con bón phân xanh thì phải làm đất và bón phân hoàn thành trước khi trồng 30 ngày. Bà con nên tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp và phân chuồng ủ với chế phẩm sinh học như Trichoderma để tạo ra nguồn phân hữu cơ tốt cho cả đất và cây trồng.

Sau khi mua giống măng lục trúc về bạn phải vận chuyển đến nơi trồng và cắt ngắn rễ còn khoảng 2 đến 3cm. Nếu có thời gian thì hãy ngâm phần thân ngầm xuống nước vài giờ rồi sau đó nhúng phần cũ xuống bùn loãng. Hơn một ngày sau đó hãy mang đi trồng, sử dụng cuốc tạo một lỗ chính giữa hố với độ sâu đảm bảo phần thân ngầm thấp hơn mặt hố tầm 5cm. Đặt cây giống xuống lỗ, xoay ngửa phần lõm của thân ngầm lên trên, phần thân khí sinh nghiêng một góc 45 độ về phía đỉnh gốc hay về một hướng song song với đường đồng mức. Cần phải đảm bảo điều chỉnh làm sao cho 2 hàng mắt mầm hướng sang hai bên.

Kế đó, vun đất vào gốc, nén chặt nhưng cũng nên cẩn trọng để tránh làm tổn thương mắt mầm. Vun đất cao tầm 2/3 lóng thân thứ nhất thì hãy tủ rơm rạ, rác khô xung quanh gốc nhằm mục đích giữ ẩm. Cuối cùng, tưới nước xung quanh gốc cây và đổ nước đầy phần lóng ở trên cùng của thân khí sinh.

Trồng dặm

Trồng dặm cũng là bước rất quan trọng trong kỹ thuật trồng tre lục trúc lấy măng mà nhiều người bỏ qua. Cụ thể, sau khi trồng được từ 1 đến 2 tháng thì bạn phải kiểm tra độ sống sót của cây giống và tiến hành trồng dặm những chỗ cây giống chết, sinh trưởng kém. Ngoài ra sau khi trồng mà gặp điều kiện nắng hạn thì bạn cần phải tưới nước thường xuyên vào buổi sáng hay chiều tối đến khi hom mọc măng trên thân khí sinh và ra cành lá đầu tiên.

Cách chăm sóc tre lục trúc lấy măng

Chăm sóc tre lục trúc chủ yếu là phát dây leo, cây bụi, sạc cỏ, xới xáo xung quanh gốc với đường kính rộng 1m. Có thể kết hợp việc bón thúc mỗi năm một lần với lần chăm sóc thứ nhất hoặc thứ hai. Ngoài ra bạn cũng có thể thực hiện vào đầu mùa mưa, mỗi gốc bón từ 15 đến 30kg phân hữu cơ kết hợp 0.2 đến 0.3kg NPK công thức 5:10:3.

Bà con cũng nên đào rãnh rộng khoảng 20cm và sâu khoảng 25cm ở xung quanh gốc, cách gốc tầm 30m, rải phân đều trong rãnh và lấp đất, vun tiếp đất vào gốc đảm bảo hơn mặt đất xung quanh tầm 5cm. Bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi hãy chú ý chặt bỏ cành nhánh sát mặt đất, cành già, sâu bệnh hay gãy dập. Đồng thời cũng thường xuyên theo dõi để phát hiện sâu bệnh mà kịp thời phòng trừ.

121

              Ảnh minh họa

khai thác, thu hoạch măng lục trúc

Thời vụ khai thác măng lục trúc là từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm và chỉ khai thác khi măng nhú lên khỏi mặt đất từ 10cm. Thời điểm khai thác măng và vào buổi sáng, chọn 4 đến 5 măng to khỏe phân bố đều xung quanh khóm tre để lại làm cây mẹ, còn lại khai thác hết.

Sử dụng cuốc hay dụng cụ chuyên dụng bới hở toàn bộ cây măng cho đến tận củ. Dùng dụng cụ sắc để cắt măng tại vị trí phình to nhất của thân ngầm. Hãy cẩn trọng để không làm tổn thương mắt mầm còn lại. Lưu ý, sau khi khai thác xong cũng chưa nên lấp đất ngay mà cần phải phơi nắng phần thân ngầm còn lại vài ngày rồi mới lấp đất. Bà con cũng có thể dùng nước vôi loãng quét lên vết cắt ở phần thân ngầm còn lại nhằm mục đích chống nấm bệnh gây hại gây mất khả năng sinh măng ở các vụ tiếp theo.

Sử dụng măng lục trúc

Mặc dù năng suất măng lục trúc không bằng một số loại tre khác, song nó lại có hương vị thơm ngon đặc trưng và chất lượng cao, có giá trị lớn khi xuất khẩu.  hiện tại giá măng lục trúc bán khoảng 50.000 đồng/1kg măng tươi chưa bóc, còn với măng tươi đã bóc có giá từ 70.000 đến 80.000 đồng/1kg. Sử dụng măng lục trúc có nhiều cách khác nhau, có thể là ăn tươi, phơi khô hay đóng hộp xuất khẩu đều được.

Nhật Anh

 

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 9