Diện tích cỏ được bón bằng chất thải chăn nuôi phát triển tốt đảm bảo nguồn thức ăn xanh cho đàn bò của bác Nguyễn Văn Quýnh, xã Vũ Bản (Bình Lục)
1. Mô hình chăn nuôi bò - trồng cây ăn quả - cây dược liệu
Đây là một trong những kiểu mô hình được nhiều hộ chăn nuôi bò sữa, bò thịt áp dụng thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cao vì đã tận dụng tối đa nguồn chất thải, phế phụ phẩm để tái sử dụng nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất. Điển hình như gia đình anh Đặng Xuân Nam xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân đã vận dụng sáng tạo nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn để tổ chức thực hiện khá thành công trong các khu liên hợp, tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc. Với tổng diện tích trang trại gần 30 ha trong đó có hơn 20 ha dùng để trồng chuối, cây dược liệu, cỏ cho bò, ngô và rau màu khác. Sản phẩm làm ra ngoài việc cung cấp cho thị trường thì phần lớn được anh Nam sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi tại chỗ, cây dược liệu dùng để lấy tinh dầu.
Hiện nay, với 30 con bò cho khoảng hơn 300 kg sữa mỗi ngày. Lượng phân, chất thải của bò đã được gia đình anh Nam thu gom xử lý ủ cùng phế phụ phẩm khác thành phân hữu cơ cung cấp cho diện tích trồng trọt của gia đình. Bã cây húng sau khi ép lấy tinh dầu cùng cây cỏ già sẽ được ủ vi sinh bón trả lại cho đất, giúp đất tơi xốp hơn. Ngoài ra, vào dịp cuối năm gia đình anh còn trồng thêm hoa cải để phát triển du lịch nông nghiệp được nhiều người quan tâm, nhất là thế hệ trẻ thích trải nghiệm, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Với cách làm này, hàng năm gia đình anh Nam tiết kiệm được gần 150 triệu đồng tiền mua phân bón như trước kia để bón cho các loại cây trồng mà còn xử lý gần như triệt để tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong cả quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh, góp phần quan trọng cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
2. Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm - nuôi trùn quế - cây ăn quả
Tỉnh Hà Nam hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm khoảng gần 9 triệu con, trong đó: lợn gần 400.000 con, trâu bò gần 37.000 con, gia cầm 8,4 triệu con. Nếu người chăn nuôi chỉ quan tâm đến sản phẩm chính mà bỏ qua phế phụ phẩm, lượng phân thải sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhận thức được điều đó, không chỉ các trang trại chăn nuôi lớn phát triển theo hướng tuần hoàn mà một số gia trại, nông hộ chăn nuôi hiện nay cũng đã và đang phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn nhằm tận dụng phân và chất thải chăn nuôi làm gas để đun nấu, phát điện, làm nguồn phân bón rất tốt cho cây trồng và cải tạo đất. Việc chăn nuôi kết hợp nuôi trùn quế - trồng cây ăn quả không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn mà còn giúp tiết kiệm chi phí hàng trăm triệu đồng cho việc mua phân bón hóa học như trước kia và tạo nguồn thức ăn giàu đạm phục vụ chăn nuôi gia cầm. Đồng thời giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.
Được đánh giá là mô hình nông nghiệp tiêu biểu của kinh tế tuần hoàn khép kín tại nông hộ. Nhiều năm qua, gia đình anh Đỗ ở xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân đã tận dụng triệt để lượng phân, chất thải từ nuôi trâu, bò để làm thức ăn cho trùn quế và tưới cho cỏ, ngô. Trùn quế được nuôi làm thức ăn cho gà, vịt, cá; bã làm phân bón cho hàng nghìn gốc bưởi, cam; cỏ, ngô thu hoạch làm thức ăn cho trâu, bò, cá đã giúp gia đình anh tiết kiệm vài trăm triệu đồng tiền đầu tư phân bón, thức ăn chăn nuôi mỗi năm; đồng thời giải quyết vấn đề về môi trường từ việc chăn nuôi, trồng trọt thải ra của gia đình. Tuy nhiên, khó khăn của anh Đỗ hiện nay là thiếu nguồn vốn để quay vòng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; một số sản phẩm như bưởi diễn, bưởi hoàng do chưa làm quy trình xin cấp chứng nhận VietGAP, chưa làm tốt công tác maketing nên giá bán còn thấp so với chất lượng thực tế của sản phẩm.
Khác với mô hình tuần hoàn khép kín của gia đình anh Đỗ, mô hình liên kết trong sản xuất được ông Phạm Văn Loan ở thôn 4 xã Chính Lý huyện Lý Nhân thực hiện rất hiệu quả. Cụ thể, gia đình ông đã tận dụng triệt để các phế phụ phẩm từ cây trồng, rơm rạ sau thu hoạch bị bỏ đi đều được mang về đốt bằng lò xây do ông tự thiết kế để lấy tro bón cây trồng thay cho kali. Đặc biệt, trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao, ông Loan đã chủ động liên kết các hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn ở trong thôn xin chất thải dư thừa đang có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường về xử lý bón cho cây trồng. Đối với hộ chăn nuôi ở gần nhà, ông cho lắp đặt hệ thống đường ống ngầm nối từ bể thải của hộ về thẳng bể chứa của gia đình (khoảng 80 m3 ); đối với hộ ở xa được bơm lên bồn chứa và được ông dùng xe lôi trở về. Sau một thời gian xử lý có được nguồn phân hữu cơ bón cho hơn 200 gốc nhãn, mỗi năm gia đình ông Loan đã tiết kiệm được hơn 100 triệu chi phí phân bón. Thêm vào đó, cỏ mọc trong vườn đều được ông Loan xử lý bằng cách thả ngỗng nuôi dọn cỏ. Thay vì thuê nhân công về làm cỏ, mỗi năm gia đình ông tiết kiệm thêm 40 triệu tiền làm cỏ... và thu về từ 500 - 600 triệu đồng từ mô hình trồng nhãn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường thôn xóm một cách đáng kể.
3. Mô hình cá - lúa
Thực hiện "Kế hoạch số 1876/KH-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thuỷ sản trên đất trồng lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025", tính đến hết năm 2021 diện tích đất lúa chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh là 591,98 ha, đạt 27,5% kế hoạch. Hiện nay, có nhiều hộ dân áp dụng mô hình "lúa - cá" vào sản xuất và đem lại nguồn thu nhập cao, nhất là ở các vùng trũng, hay ngập úng trước đây chỉ cấy được một vụ lúa nay được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản.
Kiểu mô hình tuần hoàn này, khi nuôi cá trong ruộng lúa, phân của cá và thức ăn còn dư sẽ làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa, bên cạnh đó cá còn giúp làm cỏ, sục bùn cho ruộng lúa; ngược lại, khi gặt lúa xong, thả cá vào ruộng, gốc rạ, thóc rơi vãi trở thành nguồn thức ăn cho tôm, cá. Với mô hình luân canh này hầu như cây trồng, vật nuôi không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, tạo ra sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường. Mô hình “lúa, cá” được triển khai trong thực tiễn đã giúp giảm dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn, nhất là giúp nông dân nâng cao thu nhập gấp từ 5 - 10 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với chỉ trồng lúa.
4. Mô hình nuôi cá "sông trong ao"
Thực hiện Đề án xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ "Sông trong ao" sản xuất theo chuỗi liên kết, đến nay tại tỉnh Hà Nam đã xây dựng đươc 20 mô hình nuôi cá "sông trong ao". Đây là phương thức nuôi trồng thủy sản đã được áp dụng ở nhiều địa phương trong tỉnh vài năm trở lại đây, cho thấy hiệu quả mang lại cao hơn gấp nhiều lần so với cách nuôi thuyền thống và đang được các hộ tiếp tục mạnh dạn đầu tư. Áp dụng công nghệ nuôi cá "sông trong ao" đã làm tăng số lượng cá nuôi trong ao nhờ sử dụng hệ thống máy nén được lắp đặt dưới đáy ao, khí độc sẽ được giải phóng liên tục. Qua đó, giúp cho môi trường ao nuôi luôn sạch, hạn chế tối đa dịch bệnh, cá tăng trọng nhanh, hệ số sử dụng thức ăn giảm. Thịt cá săn chắc, chu kỳ nuôi ngắn, năng suất, chất lượng cao hơn so với cách nuôi truyền thống. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, cho phép thả cá giống ngay mà không cần phải xử lý đáy ao. Mặt khác, nước thải ao nuôi được hút lên sử dụng làm phân bón hữu cơ rất tốt để tưới cho cây rau và cây ăn quả, góp phần giảm chi phí và nâng cao thu nhập. Tiêu biểu như HTX thủy sản "Sông trong ao" Hải Đăng với 8 bể hiện đang được nuôi 2 đối tượng là trắm cỏ và rô phi, mỗi năm sản xuất khoảng 200 tấn cá thương phẩm tiêu thụ trên thị trường và phục vụ cho chế biến tại chỗ. Sản phẩm cá kho, ruốc cá, chả cá của HTX đã đưa vào các siêu thị, nhà hàng trong và ngoài tỉnh được người tiêu dùng đánh giá cao. Hướng đi tiếp theo của HTX là xây dựng dây truyền sản xuất thức ăn phục vụ tại chỗ nhằm giảm tối đa chi phí đầu vào, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Kiều Anh