Sản xuất hữu cơ đang trở thành xu hướng tất yếu và là hướng đi bền vững của nền nông nghiệp hiện đại, do đó ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đang nỗ lực hỗ trợ người dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Để đồng hành cùng người nông dân, tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt kết quả dự án điều tra thực trạng sản xuất trồng trọt hữu cơ và nghiên cứu đề xuất xác định các vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó xác định 56 vùng trồng trọt hữu cơ đến năm 2025 với diện tích 1.200 ha, đến năm 2030 dự kiến xác định 65 vùng với diện tích 2.000 ha.
Ông Hoàng Thọ Phúc ở xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên bắt đầu trồng cam hữu cơ từ 6 năm trước trên diện tích 1,5 ha. Các quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh được ông thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ cỏ mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học... để phòng trừ sâu bệnh. Ông Phúc cho biết, thực hiện chăm sóc cam theo hướng hữu cơ phải bỏ công nhiều hơn, nhưng cây cam ít sâu bệnh, giá thành lại cao hơn gấp 3 - 4 lần. Việc tiêu thụ cam cũng được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Hiện nay, huyện Hàm Yên có 4 nhóm (15 hộ) sản xuất cam hữu cơ, với diện tích 22,6 ha tại các xã Bằng Cốc, Tân Thành, Nhân Mục và thị trấn Hàm Yên. Cam Hàm Yên sản xuất theo hướng hữu cơ chủ yếu là giống cam sành, cam Vinh, cam V2. Các sản phẩm cam hữu cơ đều có tem truy xuất nguồn gốc và được kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp, thương lái với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Ở xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa, người dân tập trung trồng cây đậu đen theo hướng hàng hóa và thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, nhờ vậy năng suất và chất lượng sản phẩm đã nâng lên. Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát là địa chỉ tiêu thụ sản phẩm đậu đen cho bà con. Năm 2021, sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa của hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Từ thành công này, sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến, thị trường tiêu thụ được mở rộng.
Chị Phạm Thị Hồng, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát cho biết, năm 2022, HTX liên kết với bà con nông dân phát triển gần 20 ha đậu đen, cho thu hoạch khoảng 24 tấn/vụ (mỗi năm 03 vụ) để chế biến thành sản phẩm trà túi lọc đậu đen (1 tấn đậu đen sản xuất được khoảng 3.500 hộp). Bình quân mỗi tháng, HTX bán ra thị trường trên 4.000 hộp trà thành phẩm, giá bán từ 70.000 - 100.000 đồng/hộp. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở đã không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm, tham gia quảng bá tại các hội chợ, tạo hệ thống liên kết bán hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh ...
Năm 2019, huyện Sơn Dương đã lựa chọn 3 ha chè từ 5 - 7 tuổi của HTX Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên để thực hiện mô hình sản xuất hữu cơ. Diện tích chè chăm sóc theo quy trình hữu cơ, sử dụng phân vi sinh để loại bỏ tồn dư phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Sau 3 năm triển khai, diện tích được cấp chứng chỉ sản xuất hữu cơ. Anh Nguyễn Mạnh Thắng ở thôn Trung Long chia sẻ, với 2 ha chè của gia đình chăm sóc theo quy trình hữu cơ, dù năng suất giảm 30 % so với trước đây, nhưng chất lượng chè được đảm bảo và giá bán cao gấp đôi. Cụ thể, mỗi sào chè hữu cơ thu được 20 kg chè khô/lứa, giá bán 500.000 - 600.000 đồng/kg.
Đến hết năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã có 150 ha diện tích đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất trồng trọt cây trồng hữu cơ đạt trên 1,5% (1.200 ha) tổng diện tích đất trồng trọt các cây trồng chính; giá trị sản phẩm lên trên 1,5 lần so với phi hữu cơ. Đến năm 2030, phấn đấu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 3% (2.000 ha) tổng diện tích đất trồng trọt các cây trồng chính, nâng giá trị lên 1,8% so với phi hữu cơ.
Bắc Hà