27/11/2024
Ủ chua thức ăn thô xanh - nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi gia súc

Thức ăn thô xanh là loại thức ăn chứa hầu hết các chất dinh dưỡng mà vật nuôi cần như Protein, các Vitamin, khoáng đa lượng và vi lượng thiết yếu và các chất có hoạt tính sinh học cao. Thức ăn thô xanh chiếm vị trí rất quan trọng đối với đàn trâu bò và chiếm đến 80% khẩu phần thức ăn hàng ngày. Tuy nhiên nguồn thức ăn thô xanh thường mang tính mùa vụ và phát triển dồi dào trong vụ xuân và hè thu.Do vậy, vào mùa đông, thời tiết trở nên bất thường và mưa rét đậm, rét hại, gia súc phải được nhốt trong chuồng hoặc ít được chăn thả, nguồn thức ăn trở nên khan hiếm, thì việc dự trữ thức ăn thô xanh cho trâu, bò là hết sức cần thiết. Ngoài ra, việc chế biến ủ chua thức ăn sẽ kích thích vị giác ăn ngon miệng, Cải thiện chất lượng dinh dưỡng do hoạt động của vi sinh vật giúp cho vật nuôi tiêu hóa tốt, tăng sức đề kháng...

 Để chủ động nguồn thức ăn bổ sung cho trâu, bò trong mùa đông, bà con chăn nuôi có thể áp dụng phương pháp ủ chua để dự trữ thức ăn như sau:

Thời gian ủ chua

Bà con có thể ủ thức ăn quanh năm, nhưng để dự trữ thức ăn cho vụ Đông thì nên tiến hành ủ từ khoảng tháng 9 đến 11 dương lịch. Thông thường nếu ủ chua đúng kỹ thuật có thể bảo quản thức ăn chua sau khi ủ từ 3 – 4 tháng.

Chuẩn bị dụng cụ và nơi ủ chua

Tùy theo điều kiện kinh tế hoặc tận dụng nguyên liệu có sẵn, bà con có thể đào hố, xây hầm ủ hoặc sử dụng bao nilon. Nếu bà con sử dụng bao nilon để ủ thì nên phủ bao tải dứa bên ngoài như vỏ bao phân đạm. Theo kinh nghiệm, cứ 3 túi dứa to như bao phân đạm sẽ ủ được khoảng 100 kg thức ăn xanh.

Trong trường hợp đào hố ủ chua thức ăn cho bò, cần chọn nơi cao ráo, không bị đọng nước, thuận tiện cho đi lại và gần với chuồng chăn nuôi gia súc. Tùy vào điều kiện địa hình bà con có thể cân nhắc đào hố tròn, hố vuông hoặc hố chữ nhật để làm hố ủ. Chỉ cần tính toán hợp lý để đảm bảo thể tích hố ủ, cung cấp đủ lượng thức ăn cho đàn gia súc trong vòng 15-20 ngày/hố là hợp lý. Theo kinh nghiệm, mỗi hố có thể tích 1 mét khối có sức chứa từ 300 -400 kg nguyên liệu cho phương pháp ủ chua thức ăn cho trâu bò.

Ngoài ra, bà con cần chuẩn bị các dụng cụ cần thiết để sơ chế nguyên liệu như dao thớt hoặc máy băm cỏ mini để băm thái thức ăn xanh chuẩn bị cho quá trình ủ, bạt, bao tải, bao dứa, rơm rạ, tấm lợp… để che đậy hố ủ.

Nguyên liệu ủ chua

Sử dụng chuẩn bị các nguyên liệu như hướng dẫn dưới đây, lưu ý nên lựa chọn các thức ăn còn tươi, ngon, đảm bảo vệ sinh, tránh hư thối, nấm mốc… gây hỏng thức ăn được ủ.

- Thức ăn xanh: chuẩn bị 100 kg các loại cỏ hoặc phụ phẩm nông nghiệp như: cỏ voi, cỏ VA06, thân cây ngô, ngọn lá sắn, rau khoai lang…Lưu ý nên sử dụng cỏ non, tránh thu hoạch cỏ già, vừa cứng vừa dễ làm thủng túi (nếu sử dụng bao nilon để ủ)

- 5 -10 kg bột ngô, cám gạo, có thể cho thêm  mật rỉ đường, rơm khô hoặc bã mía khôlàm quá trình lên men diễn ra nhanh hơn.

Ngoài các nguyên liệu chính trên thì để ủ chua cũng cần dùng muối ăn (để tạo sự ngon miệng, dễ ăn cho gia súc, đồng thời bổ sung thêm chất khoáng cần thiết khi sử dụng).

Phương pháp ủ chua thức ăn cho gia súc

Ủ chua (hay ủ xanh) là một quá trình làm giảm độ pH đến giá trị mà tại đó thức ăn có thể không bị hư hỏng. Do pH thấp nên khối ủ có mùi vị chua nên người ta gọi là ủ chua. Ủ chua là phương pháp đơn giản để bảo quản và thay đổi giá trị của thức ăn.

Bước 1: Băm và phơi nguyên liệu

Sau khi thu hoạch cỏ, rơm rạ hoặc phụ phẩm nông nghiệp tiến hành băm thái thành từng đoạn 3 -5cm. Trong trường hợp số lượng cỏ ít, có thể sử dụng dao thớt đã chuẩn bị sẵn để băm chặt. Trường hợp bà con muốn ủ chua số lượng lớn, nên sử dụng máy băm cỏ mini để giảm thời gian ngồi sơ chế nguyên liệu. Sau khi đã thái cỏ xong, bà con đem đi phơi tái để làm giảm bớt hàm lượng nước có trong cỏ xuống 65-70% là thích hợp và tiến hành đem ủ.

Bước 2: Phối trộn nguyên liệu

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu theo công thức phía trên, tiến hành phối trộn nguyên liệu. Lưu ý, nên trộn muối ăn với bột ngô, cám gạo cho đều trước rồi đem trộn đều hỗn hợp này với cỏ.

Bước 3: Tiến hànhủ chua thức ăn cho trâu bò

- Sử dụng bao tải để ủ: đúc ngay nguyên liệu đã trộn đều vào bao tải rồi buộc kín. Lưu ý thực hiện công đoạn này càng nhanh càng tốt, đảm bảo quá trình lên men diễn ra hiệu quả. Bà con nên thực hiện cả 3 bước hướng dẫn trên trong cùng 1 ngày để đem lại hiệu quả tốt nhất. Cho từng lớp nguyên liệu vào bao tải với chiều cao mỗi lớp từ 15 -20 cm, rồi nèn chặt trên toàn bộ bề mặt, xung quanh thành bao và các góc, để đuổi hết không khí ra khỏi bao tải, đảm bảo hiệu quả cho quá trình lên men. Tiến hành nèn các lớp khác tương tự như hướng dẫn cho đến khi đầy bao, buộc chặt đầu bao và ghi ngày tháng ủ, đem bao tải để vào nơi khô ráo thoáng mát, đảm bảo không cho chuột bọ, gián và các loài gặm nhấm cắn thủng bao tải, tránh không khí xâm nhập làm nấm mốc sinh sôi, gây ôi thối thức ăn ủ chua.

- Sử dụng hố ủ: vệ sinh sạch sẽ hố ủ trước khi đem ủ nguyên liệu. Lót gạch hoặc một lớp rơm khô xuống đáy hố, bao xung quanh bằng bạt dứa, bao nilon đảm bảo hố ủ kín, không hở để khí không chui được vào. Cách nèn nguyên liệu trong phương pháp ủ chua thức ăn cho trâu bò tương tự nhau dù sử dụng bất kì loại vật dụng chứa đựng nào. Khi nèn nguyên liệu đầy hố, tiến hành phủ 1 lớp rơm rạ và đậy kín bằng bạt, nilon đảm bảo không cho không khí và nước mưa thấm vào hố.

Khi đưa nguyên liệu vào ủ cần tránh làm rách túi nilon hoặc nếu che đậy bể ủ không kín thì quá trình lên men Lactic sẽ bị trở ngại và việc ủ chua sẽ không thành công. Sau thời ủ khoảng 15-20 ngày, cần thức ăn kiểm tra: thức ăn có chất lượng tốt sẽ có mùi chua nhẹ, màu vàng sáng; thức ăn có chất lượng kém sẽ có mùi lạ, màu đen hoặc bị mốc. Khi lấy thức ăn từ bể hoặc túi ủ nên lấy gọn gàng, phần nào ủ trước thì lấy trước, lấy xong thì che đậy lại ngay nhằm hạn chế không khí lọt vào.

Sau khi ủ chua khoảng 1 tháng có thể lấy thức ăn ra và cho trâu bò ăn được. Trong thời gian đầu chỉ nên cho vật nuôi ăn một lượng nhỏ cho bò quen dần, sau đó tăng dần số lượng, một ngày cho bò ăn khoảng 5-10kg thức ăn ủ chua ngoài ra có thể ăn kèm với cỏ xanh và rơm.

Tuy nhiên, không thể sử dụng hoàn toàn thức ăn ủ chua thay thế thức ăn xanh vì có thể gây rối loạn tiêu hóa gây ra tiêu chảy cho bò vì ăn quá nhiều.

Đây là cách dự trữ thức ăn đơn giản, dễ dàng và không đòi hỏi chi phí đầu tư và kĩ thuật quá cao. Chúc bà con áp dụng thành công phương pháp này.

41234567891011

Tận dụng phụ phẩm để ủ chua làm thức ăn cho gia súc góp phần giúp người chăn nuôi tiết kiệm công sức, tăng hiệu quả

Thu Hà

 

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 71