27/11/2023
Ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, liên kết chuỗi giá trị trong mô hình VAC ở Hưng Yên

 

Mô hình trồng rau an toàn kết hợp chăn nuôi, thủy sản tại xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ đạt hiệu quả kinh tế cao, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, đa dạng hóa sản phẩm. Hợp tác xã (HTX) có diện tích canh tác là 30 ha, trong đó 8 ha thuê đất sản xuất, 22 ha là của 45 hộ nông dân liên kết. Hiện tại HTX cung cấp rau cho các siêu thị lớn, đặc biệt là cho chuỗi siêu thị Vinmart với sản lượng 1 tấn/ngày và các siêu thị lớn khác như BigC, Công ty TNHH một thành viên Sài Gòn Co.op - Co.op food miền Bắc, các cửa hàng thực phẩm sạch, an toàn trên nhiều tỉnh/thành lớn. Các thành viên, nông dân của HTX không chỉ sản xuất rau an toàn mà còn liên kết cùng chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi thủy sản tạo thành vòng tròn sản xuất khép kín.

Trong khi người trồng rau còn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm và canh tác trong tình trạng được mùa, mất giá thì HTX lại thu hút được người mua tìm đến ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, thậm chí có những thời điểm “cháy hàng”. HTX liên tục mở rộng diện tích đất canh tác dưới hình thức thuê đất và lựa chọn các hộ nông dân liên kết đủ điều kiện để hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, sản xuất rau màu vụ đông là lợi thế của HTX, sản lượng rau bán ra mỗi ngày khoảng 1,5 tấn. HTX áp dụng chặt chẽ quy trình sản xuất theo VietGAP, thường xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn bà con áp dụng quy trình kỹ thuật và đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu cùng với chất lượng và mẫu mã. Các sản phẩm được đóng gói hình thức bắt mắt, có tem nhãn đầy đủ dễ dàng cho việc truy xuất nguồn gốc, nhờ đó sản phẩm luôn có giá bán cao hơn sản xuất đại trà khoảng 1,5 lần. Hiện tại giá rau bán ra của HTX từ 14.000 - 20.000 đồng/kg rau, tùy loại sản phẩm.

HTX đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường, đặc biệt là tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, sản xuất rau an toàn từ nguồn phân bón chăn nuôi gà, vịt, lợn... ủ hoai mục hữu cơ. Do đó, nâng cao chất lượng rau, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ nguồn tài nguyên đất, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa mục tiêu và liên kết chuỗi giá trị.

Mô hình trồng cam lòng vàng kết hợp chăn nuôi, thủy sản tại xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ. Nhiều hộ dân trong xã đã lựa chọn cam lòng vàng làm cây chuyển đổi và đã mang lại hiệu quả cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa.

HTX sản xuất cam lòng vàng Nguyên Hòa có diện tích 15ha với 24 thành viên là những hộ có kinh nghiệm trồng cam lòng vàng. Các thành viên HTX đã kết hợp vừa phát triển vườn trồng cam vừa nuôi trồng thủy sản để tăng thêm thu nhập lại tận dụng nguồn nước tưới cho cây. Gần đây, nhận thấy vườn cam có dấu hiệu suy thoái, các thành viên HTX đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Họ đã quyết định tăng cường chăn nuôi, tận dụng nguồn phân hữu cơ để chăm sóc cây cam cũng như tăng thêm nguồn thức ăn nuôi cá. Kết quả sau 2 năm kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, không chỉ diện tích trồng cam phục hồi nhanh chóng mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm cam, tăng nguồn thu cho các hộ, khẳng định hiệu quả của mô hình nông nghiệp tuần hoàn, đa giá trị.

 

Vân Anh

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 138