21/03/2018
Xây dựng, nâng cấp hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng ven biển Bắc bộ

1.  Tiêu chí hạ tầng nuôi trồng thủy sản bền vững

Để phát huy hiệu quả nuôi trồng thủy sản áp dụng đối với đối tượng là tôm, cá cần thay đổi cấu trúc hạ tầng nuôi trồng thủy sản, đáp ứng được những tiêu chí:

-       Nước cấp phải có chất lượng phù hợp theo tiêu chuẩn;

-       Nước cấp phải qua ao chứa lắng, xử lý nước cấp;

-       Nguồn nước cấp phải đảm bảo đầy đủ về lượng;

-       Hệ thống tiêu phải đáp ứng được yêu cầu chủ động thay nước khi cần thiết và phải có ao chứa xử lý hoặc hệ thống xử lý trước khi thải ra ngoài;

-       Hệ thống kênh cấp, thoát nước phải riêng biệt theo mặt bằng, tránh lây lan bệnh tật cho vùng nuôi;

-       Hệ thống kênh cấp, thoát nước phải riêng biệt theo thời gian.

Nguyên lý của giải pháp này là xây dựng hai cống một chiều ở đầu kênh và cuối kênh cấp thoát nước chung. Khi nước thủy triều lên cống đầu kênh sẽ mở cho nước vào kênh, lúc này các ao nuôi sẽ lấy nước vào ao vì có nguồn nước sạch và nước có cao độ lớn. Đồng thời cống cuối kênh sẽ đóng không cho nước vào kênh. Khi nước thủy triều rút, cống đầu kênh sẽ đóng lại, cống cuối kênh sẽ mở, nước từ trong kênh chảy ra, các ao nuôi đồng loạt thoát nướ ra kênh vì mực nước trong kênh hạ. Dòng chảy trong kênh lúc này cũng có chiều từ đầu kênh tới cuối kênh.

2.  Giải pháp trong nâng cấp hệ thống nuôi trồng thủy sản

-       Ao nuôi và bờ. Ao nuôi có diện tích từ vài nghìn mét vuông đến 2 ha, thích hợp nhất là 1 ha. Độ sâu nước trong ao đảm bảo từ 1,5-2,0m. Ao có dạng hình chữ nhật hoặc vuông. Hình dáng ao rất vần thiết cho việc chế ngự sự di chuyển của chất thải và có liên quan đến vị trí đặt máy sục khí cũng như dòng chảy trong ao, đồng thời giữ cho một diện tích đáy ao không bị chất thải tích tụ. Bờ ao cao hơn mực nước thiết kế 0,5m, chiều rộng mặt bờ 1,5-2,0m. Độ dốc mái phụ thuộc vào điều kiện địa chất cụ thể nơi xây dựng.

-       Hệ thống cấp nước. Hệ thống cấp nước có nhiệm vụ cấp đủ lượng nước với chất lượng thích hợp cho toàn bộ ao nuôi và bao gồm các công trình chủ yếu là ao chứa; cống lấy nước ào ao chứa; trạm bơm cấp nước; hệ thống kênh cấp; cống lấy nước vào ao nuôi và cống lấy nước vào đầu kênh nhánh:

Ao chứa: Thông thường nguồn nước tự nhiên có chất lượng không đảm bảo yêu cầu nên cần được xử lý trước khi đưa vào ao nuôi. Ao chứa có tác dụng xử lý cơ học thông qua quá trình lắng kết sinh hóa nước chủ yếu thông qua quá trình tự làm sạch. Nước được lưu trữ trong ao một thời gian tối thiểu nhất định tùy theo chất lượng nước nguồn, thường từ một đến vài tuần. Ở những vùng có độ mặn nước biển cao nhất nằm trong phạm vi độ mặn thích hợp, ao chứa chỉ có nhiệm vụ chứa và làm sạch nước biển. Ở những vùng nước biển có độ mặn cao, ao chứa có thể kết hợp làm nhiệm vụ pha trộn nước mặn và nước ngọt để đạt được nồng độ và độ đồng đều cần thiết trước khi nước được đưa vào ao nuôi. Ao chứa cần có dung tích đảm bảo đủ cấp nước đồng thời cho các ao nuôi vào lần cấp đầu để tạo lớp nước tối thiểu 0,4m trong các ao.

Cống lấy nước vào ao chứa: Cống lấy nước vào ao chứa được đặt ở đầu nguồn cấp hoặc thông trực tiếp với nơi nguồn nước, phải đảm bảo sạch và điều kiện lấy nước thuận lợi. Quy mô, hình thức kết cấu cống được xác định dựa vào điều kiện tự nhiên và yêu cầu cấp nước. Thông thường khẩu diện cống được xác định để đảm bảo lấy nước đầy ao trong một số con triều nhất định. Số con triều cụ thể được xác định tùy theo ràng buộc về thời gian lắng kết và làm sạch và thời gian giữa các đợt cấp nước vào ao nuôi.

Trạm bơm cấp nước: Trạm bơm cấp nước có nhiệm vụ bơm nước từ ao chứa vào kênh chính. Từ kênh chính nước được phân phối vào các kênh nhánh và tới các ao nuôi. Trạm bơm được đặt ở vị trí cao, phía đầu kênh cấp chính, có thể là trạm bơm cố định hoặc máy bơm di động. Quy mô trạm bơm tùy theo yêu cầu cấp nước và diện tích của khu đầm nuôi.

Hệ thống kênh cấp: Bao gồm kênh chính và các kênh nhánh có nhiệm vụ dẫn nước từ trạm bơm tới các ao nuôi. Kênh cấp là kênh nổi để có thể cấp nước vào các ao nuôi bằng tự chảy. Kích thước kênh tùy thuộc yêu cầu chế nước, diện tích đầm nuôi, điều kiện địa chất cụ thể tại khu vực. Hình thức kết cấu kênh cấp có thể là kênh đấy, gạch đá xây hoặc bê tông.

Cống lấy nước vào ao nuôi: Cống lấy nước vào ao nuôi cần có kích thước và kết cấu hợp lý, đảm bảo đủ lượng nước vào ao nuôi theo yêu cầu của chế độ nước và đảm bảo điều kiện ổn định của bờ ao và không làm đục nước trong ao nuôi.

Cống lấy nước vào đầu kênh nhánh: Cống lấy nước đầu kênh nhánh làm nhiệm vụ điều tiết và phân phối nước. Việc tính toán thiết kế cống đầu kênh nhánh hoàn toàn giống như thiết kế cống đầu kênh các hệ thống thủy nông.

-       Hệ thống thoát nước: Hệ thống thoát nước có nhiệm vụ đảm bảo thoát nước theo yêu cầu kỹ thuật nuôi, có thể tháo cạn bằng tự chảy khi thu hoạch, hoặc tháo 1/3 lượng nước ao khi cần thay nước do môi trường xuống cấp. Hệ thống thoát nước bao gồm các cống tiêu từ ao ra kênh nhánh, mạng lưới kênh tiêu các cấp, ao lắng xử lý nước và cống tiêu đầu mối. Hệ thống thoát nước bao gồm cống thoát nước ao nuôi; hệ thống kênh tiêu và cống tiêu đầu mối:

Cống thoát nước ao nuôi: Cống thoát nước ao nuôi tôm thường có kết cấu dạng cống tròn, có thể có nhiều tầng cửa để chủ động tiêu nước tầng mặt hoặc tầng đáy tùy theo yêu cầu điều tiết chất lượng nước. Tầng trên thường dùng trong trường hợp tiêu nước mưa để điều chỉnh nồng độ muối trong ao. Tầng đáy có nhiệm vụ tháo cặn lắng ở đáy ao và tháo cạn khi có yêu cầu.

Hệ thống kênh tiêu: Hệ thống kênh thoát là kênh đất. Khi điều kiện cho phép có thể thiết kế các kênh nhánh bằng hình thức ống ngầm để tiết kiệm đất. Trường hợp này cửa tháo sẽ được bố trí các hố ga, để tiện cho công tác quản lý, nạo vét.

Cống tiêu đầu mối: Cống tiêu đầu mối tiêu nước từ ao lắng ra biển. Đối với một số vùng, do điều kiện địa hình việc tiêu tự chảy khó thực hiện hoàn toàn, trường hợp này cần xem xét đến việc bổ sung bằng động lực./.

BBT

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 2719