00:00 Số lượt truy cập: 3040387

Đắk Nông tập trung sản xuất nông nghiệp đa tầng, đa sản phẩm, đa giá trị để giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số 

Được đăng : 03/07/2023

ha-1

                         Đắk Nông với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của địa phương từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên trong năm 2023.

 

Đắk Nông là địa phương có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp phát triển nông nghiệp, vị trí địa lý thuận lợi để giao thương với thành phố Hồ Chí Minh và khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Đối với ngành nông nghiệp, hiện Đắk Nông đã định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng; hỗ trợ phát triển, công nhận 60 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao; hình thành 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 120 ha; công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn 2.400 ha; xây dựng được 15 thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và 1 chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm hồ tiêu Đắk Nông. Toàn tỉnh hiện có 3 liên hiệp hợp tác xã, 203 hợp tác xã nông nghiệp với các lĩnh vực hoạt động đa dạng; thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng khá, giá trị đạt khoảng 800 triệu USD/năm.

Những năm qua, công tác giảm nghèo được tỉnh Đắk Nông tập trung triển khai, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhờ đó hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo luôn giảm sâu. Mới đây, tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 với các mục tiêu cụ thể.

Trong đó, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các xã thuộc huyện nghèo đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; thực hiện các chính sách xã hội đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận chính sách.

Tỉnh Đắk Nông cũng ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp về quy mô và chất lượng, đào tạo cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp phù hợp xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm bền vững cho người nghèo, tạo điều kiện để đối tượng được đào tạo nghề, phát triển sản xuất, có việc làm ổn định.

Từ việc triển khai, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,26% năm 2015 xuống còn 7,97% vào năm 2022. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 8,55%; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 8,45%.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết, trong năm 2023, Đắk Nông sẽ hỗ trợ nhà ở cho tất cả các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tỉnh Đắk Nông đặt ra kế hoạch phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung của địa phương giảm từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên; hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các xã thuộc huyện nghèo đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; triển khai thực hiện các chính sách xã hội đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận chính sách, …

Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương tăng trưởng và phát triển bền vững, Đắk Nông đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo hướng tập trung, khai thác tối đa tiềm năng, sử dụng có hiệu quả các lợi thế sẵn có, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới xuất khẩu ra thế giới. Tăng trưởng khu vực nông nghiệp tỉnh Đắk Nông những năm qua luôn ở mức khá, bình quân đạt 4,6%/năm, chiếm tỷ trọng 37% cơ cấu nền kinh tế.

Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 5,6%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt trên 95 triệu đồng; công nhận mới thêm khoảng 30 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt trên 80 sản phẩm, trong đó có ít nhất 10% sản phẩm đạt 4-5 sao; có ít nhất 45% Hợp tác xã nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP; tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt trên 45%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên 55%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn bình quân đạt từ 50 triệu đồng/người/năm và có ít nhất 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, bền vững, tận dụng các điều kiện thuận lợi về tài nguyên rừng, khí hậu, cảnh quan, các giá trị văn hóa của cộng đồng 40 dân tộc sinh sống tại địa phương để kết hợp phát triển du lịch; lấy nông dân là trọng tâm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông nghiệp phải gắn với đổi mới khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Hải Long