Hội thảo nằm trong khuôn khổ nghiên cứu đánh giá thực trạng và giải pháp khuyến khích hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo và trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhằm mục đích đóng góp vào xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp và triển khai các Dự án phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Đồng bằng Sông Cửu Long hàng năm cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% thủy sản xuất khẩu và là vùng đặc sản trồng cây ăn trái phục vụ nguồn tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng khoa học 4.0, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo và trái cây là việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất. Trên cơ sở đó, Chương trình Thích ứng Biến đổi khí hậu (MCRP) của Tổ chức phát triển Đức (GIZ) đã phối hợp với Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn triển khai nghiên cứu đánh giá thực trạng và giải pháp khuyến khích hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo và trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát mô hình công nghệ cao tại 5 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy: công nghệ cao áp dụng đối với lúa gạo có 2 nhóm công nghệ cao: (1). Công nghệ cao thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị (như các tiêu chuẩn GlobalGAP, SRP, hữu cơ) và (2). Công nghệ cao ít ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển các chuỗi giá trị liên kết, chủ yếu làm giảm chi phí sản xuất (như công nghệ Drone; san phẳng đồng ruộng với thiết bị laser; điều khiển bơm tưới từ xa; phân chậm tan thông minh; phân bón hữu cơ qua lá; hệ thống giám sát sâu, rầy thông minh; công nghệ thông minh 4.0). Về công nghệ cao áp dụng đối với cây ăn quả có 3 nhóm công nghệ cao: (1). Công nghệ cao thúc đẩy mạnh đến sự hình thành và phát triển liên kết chuỗi giá trị (như GlobalGAP); (2). Công nghệ cao thúc đẩy mạnh đến sự hình thành và phát triển liên kết chuỗi giá trị ở mức trung bình (như nhà kính, nhà màng; kỹ thuật rải vụ, nghịch vụ; truy xuất nguồn gốc sản phẩm) và (3). Công nghệ cao ít ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của các chuỗi giá trị liên kết, chủ yếu làm giảm chi phí sản xuất (như công nghệ tưới tiết kiệm nước, điều khiển tưới nước tự động; sử dụng túi bao trái).
Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu đã trình bày kết quả đánh giá ứng dụng công nghệ cao của hợp tác xã vùng ĐBSCL trong lúa gạo và cây ăn quả và đề xuất chính sách để cải thiện tình trạng ứng dụng công nghệ cao như: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết với Hợp tác xã; nâng cao năng lực cho hợp tác xã; hỗ trợ tài chính cho hợp tác xã để ứng dụng công nghệ cao, trong đó có thay đổi định mức hỗ trợ hợp tác xã từ 30-50%; phát triển Trung tâm dịch vụ cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp; hỗ trợ phát triển công nghệ cao; tuyên truyền công nghệ cao; đổi mới phương thức hỗ trợ hợp tác xã như hỗ trợ các mô hình tham gia chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao; giải pháp đối với hợp tác xã như quản trị minh bạch, tôn trọng cam kết với doanh nghiệp,…
Quốc Khánh