00:00 Số lượt truy cập: 2985626

Đất đồi ở Miền Bắc có trồng được ớt ngọt không? cách trồng thế nào? 

Được đăng : 21/03/2019

 

Bác Xuân ở Tuyên Quang hỏi: Đất đồi ở Miền Bắc có trồng được ớt ngọt không? cách trồng thế nào?

Trả lời:

Ớt ngọt trồng nhiều ở châu Âu, châu Mỹ, Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.Ở Việt Nam, ớt ngọt chủ yếu trồng ở Đà Lạt tỉnh Lâm đồng. Vài năm gần đây có một số tỉnh cũng trồng ớt ngọt, cho năng suất tương đối cao, chất lượng khá tốt.

Nhiệt độ thích hợp phát triển của cây là 18-30oC. Yêu cầu ánh sáng nhiều. Ớt ngọt có thể trồng ở nhiều loại đất khác nhau: đất thịt nhẹ, đất phù xa ven sông, đất feralit vàng đỏ,... Độ pH từ 5,5 – 6,5. Như vậy ở Tuyên quang có thể trồng được ở trên các quả đồi đất có độ dốc thấp và trồng vào vụ xuân, thời gian gieo hạt từ 15 tháng 12 đến 30 tháng 12.

1.     Chọn giống.

Để có giống tốt nên mua giống ở các cơ sở kinh doanh giống có uy tín, có đủ cơ sở vật chất để bảo quan chất lượng hạt giống tốt. Chọn những giống ngắn ngày, cây thấp để không phải bắc giàn.

Gieo hạt.

Hạt giống mua về đem ngâm với nước ấm khoảng 10 giờ, sau đó đem gieo hạt trên khay nhựa để dễ chăm sóc và vận chuyển đi xa.

Đất trong khay nhựa dùng đất thịt nhẹ, trộn với 1/3 phân chuồng đã ủ hoai mục, sau đó phun thuốc diệt kiến, nấm bằng thuốc hóa học, trộn đều hỗn hợp phân và đất sau đó cho vào khay nhựa làm thành 1 lớp đất dày 5cm, san phẳng sau đó gieo hạt vào khay, phủ 1 lớp đất bột mỏng khoảng 0,5 cm hoặc tro bếp hay trấu xay và tưới ẩm ngay, đem khay đã gieo hạt giống đến nơi thoáng, đủ ánh sáng và chăm sóc thường xuyên để cây mọc và sinh trưởng tốt.

Sau khi cây mọc cao khoảng 5cm, làm bầu đất và nhổ cây con trồng vào trong bầu để chăm sóc cho cây mọc bình thường, sau khoảng từ 15 đến 20 ngày cây mọc khỏe đem lên đồi trồng.

2. Chuẩn bị đất. Chọn đất trồng ớt chọn những quả đồi đất, có độ dốc thấp, lớp đất mặt dầy, tơi xốp, nhiều mùn, gần nguồn nước sạch để chủ động tưới, đất không có mối, cà cộ.

Dùng máy hoặc trâu bò cày và làm thành những đường băng rộng 1m theo đường đồng mức; Xới đất sâu khoảng 20cm bón lót phân chuồng đã ủ hoai mục, vôi, phân lân vun thành 1 luống, bón trước khi trồng 1 tháng.

3.Trồng và chăm sóc.

Sau khi đất đã chuẩn bị sẵn tiến hành cuốc hố để trồng, khoảng cách mỗi hố cách nhau 45cm; lấy cây đem trồng, trước khi trồng dùng dao sắc tách bỏ túi nilon, đặt bầu cây thẳng đứng, sao cho bầu đất ngập sâu khi trồng xong mặt trên của bầu bằng với mặt luống, sau đó vun đất bột lấp đầy dùng tay ấn nhẹ, chặt và tưới nước ướt đẫm ngay cho cây.

Chăm sóc: Thường xuyên tưới đủ ẩm cho cây sinh trưởng và phát triển bình thường kết hợp xới xáo, làm cỏ và bón thúc cho cây; làm sạch cỏ dại, cắt bỏ lá già, lá bị bệnh dưới gốc để cho cây thông thoáng hạn chế sâu bệnh, tiến hành tỉa cành trước lúc ra hoa; mỗi cây để 4-5 cành.

4. Phân bón.

Lượng phân bón thúc tính cho 1ha/vụ như sau:

NPK 15-5-20: 900 kg; Ure: 350 kg; super lân: 600 kg, phân chuồng ủ hoai mục 12 tấn.

Cách bón:

Bón lót toàn bộ phân chuồng, vôi, phân lân.

Bón thúc chia làm 3 đợt:

Lần 1: Sau trồng 20 ngày dùng 90 kg phân đạm + 100 kg phân NPK trộn đều bón vào khoảng cách giữa 2 cây sau đó lấp đất kín phân, kết hợp xới xáo diệt cỏ dại vun nhẹ.

Lần 2: Sau trồng 40 ngày dùng 120 kg đạm + 200 kg NPK trộn đều bón vào khoảng cách giữa 2 cây sau đó lấp đất kín phân, kết hợp xới xáo diệt cỏ dại vun nhẹ.

Lần 3: Sau trồng 70 ngày dùng 140 kg đạm + 350 kg NPK trộn đều bón vào khoảng cách giữa 2 cây sau đó lấp đất kín phân, kết hợp xới xáo diệt cỏ dại vun nhẹ.

Trong quá trình chăm sóc nếu thấy cây còi cọc thiếu dinh dưỡng nên dùng phân bón lá phun cho cây vào buổi chiều mát; sử dụng phân bón lá theo hướng dẫn trên bao bì.

Chỉ sử dụng các loại phân bón lá được phép mua bán và sử dụng tại Việt Nam.

Ngoài ra cần chú ý tưới đủ nước cho cây, khi cây ra hoa đậu quả cần tưới đẫm hàng ngày để cây ra hoc kết quả tốt và quả to, chín mọng, đạt năng suất, chất lượng cao.

Thường xuyên thăm và kịp thời phát hiện các loại sâu, bệnh hại cây và tham vấn với cán bộ bảo vệ thực vật ở địa phương để có phương án  phòng và điều trị kịp thời.

P. Loan