00:00 Số lượt truy cập: 3040406

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới tại thị xã vùng biên của tỉnh An Giang 

Được đăng : 11/09/2023
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực nông thôn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên tự nhiên, môi trường sinh thái nông thôn; thời gian qua trên địa bàn thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang nhiều mô hình du lịch sinh thái kết hợp vườn cây ăn trái đang được đẩy mạnh thực hiện, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới bền vững.

an-giang111

Vườn dâu Trúc Đào của anh Đoàn Ngọc Lợi

 

Hiện nay, khi mà điều kiện kinh tế cho phép, vào các ngày nghỉ cuối tuần, nhiều gia đình thường có nhu cầu trải nghiệm du lịch dã ngoại tại các vùng ven, với khoảng cách không quá xa. Ngoài những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, các bãi tắm, khu nghỉ dưỡng..., thì hiện nay không ít người muốn tìm về với đồng quê dân dã, với ruộng vườn, cây trái để hòa mình vào thiên nhiên xanh, tươi mát, tiếp xúc với con người quê chất phác thật thà, vui tính... Chính vì lý do đó mà trong những năm gần đây, mô hình du lịch vườn sinh thái là một trong những lựa chọn hàng đầu.

Đến với vườn sinh thái Tuấn Vũ của chị Nguyễn Thị Mỹ Dung ở ấp Phú Quý, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, du khách sẽ cảm nhận được không khí xanh mát, các tiểu cảnh được trang trí tạo không gian tươi mới hơn. Cùng với những món ăn đồng quê, dân dã đặc trưng của vùng đầu nguồn sông nước được biến tấu thành những món ăn phong phú đa dạng. Đặc biệt, vào thời điểm những ngày lễ lớn, vườn sinh thái Tuấn Vũ đón nhiều du khách đến từ các tỉnh, thành lân cận như Cần Thơ, Đồng Tháp... Chị Dung chia sẻ: “Ở đây có đa dạng nhiều món ăn đặc sản như ốc gác bếp, gà rang muối Hồng Kông, bò bên bếp lửa hồng, cá sông từ đầu nguồn ... Bên cạnh đó, du khách đến đây là còn được tham gia các hoạt động ngoài trời, các trò chơi dân gian”.

Vườn dâu Trúc Đào tại xã biên giới Phú Lộc, thị xã Tân Châu là lại là một điểm du lịch tham quan và thưởng thức các loại trái cây. Vườn dâu do anh Đoàn Ngọc Lợi đầu tư thực hiện từ năm 2018 đến nay. Trên diện tích gần 4.000 m2 của gia đình trước đây chủ yếu trồng lúa nhưng hiệu quả không cao. Anh Lợi tiến hành cải tạo đất, đào rãnh lên liếp để trồng thử 170 gốc dâu tằm nguồn gốc từ Đà Lạt. Bình quân hàng ngày anh thu hoạch từ 15 - 30 kg trái tươi, với giá dao động 40.000 đồng/kg. Qua đó, anh cũng tạo thu nhập ổn định cho nhân công hái trái với giá lao động 11.000 đồng/kg. Bên cạnh bán trái tươi, anh cũng tạo ra các sản phẩm từ dâu như mứt dâu, rượu dâu, vang dâu. Đặc biệt, anh còn mở dịch vụ cho khách du lịch đến tham quan trải nghiệm hái dâu tại vườn, từ đó giới thiệu sản phẩm đến với nhiều khách hàng hơn, giúp phần tăng thu nhập. Các sản phẩm từ dâu của anh cũng là sản phẩm OCOP tiềm năng tại địa phương. Anh Lợi cho biết thêm: “Trái dâu tằm rất là tốt cho sức khỏe, lại được trồng với quy trình an toàn nhưng vận chuyển đi xa rất khó. Vì vậy, tôi đã sấy khô trái dâu bằng công nghệ mới nên vẫn giữ được dinh dưỡng của trái và tạo ra nhiều sản phẩm từ quả dâu. Từ đây sản phẩm có thể đi xa, đến cho tay nhiều khách hàng hơn nữa. Thời gian tới, tại nhà vườn sẽ mở thêm góc trưng bày sản phẩm OCOP, không chỉ là sản phẩm của vườn, mà có thể là những sản phẩm của thị xã Tân Châu hoặc tỉnh An Giang. Để khách tham quan biết tới nhiều sản phẩm đặc sản an toàn, chất lượng của địa phương”.

Xây dựng mô hình du lịch nông thôn mang tính đặc trưng phù hợp với tiềm năng, lợi thế cùng với sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng và thân thiện với môi trường, mang đặc trưng văn hóa của địa phương và là hướng đi phù hợp, bền vững của người dân vùng biên giới, có thể nói đây cũng là yếu tố thu hút khách du lịch đến với thị xã biên giới Tân Châu - An Giang, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Vân Anh