Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 95% hạt tiêu của Việt Nam dùng cho xuất khẩu, còn lại 5% tiêu thụ ở nội địa. Trong sản lượng hạt tiêu xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, đã bao gồm sản phẩm tiêu chế biến của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Sản phẩm hồ tiêu chế biến chủ yếu bao gồm: tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột; ngoài ra còn có các sản phẩm có số lượng ít như: tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đỏ ngâm nước muối. Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý, tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 – 15% tổng sản lượng. Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành hàng hạt tiêu có 18 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp, tổng công suất khoảng 70.000 - 80.000 tấn/năm. Trong đó, có 14 nhà máy có công nghệ khá hiện đại, có sản phẩm chế biến đạt các tiêu chuẩn quốc tế: ESA, ASTA… Tỉ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân là 56,4%. Chế biến công nghiệp chiếm khoảng 65% sản lượng. Việc quy hoạch lại vùng sản xuất, sau đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình canh tác, liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng nông nghiệp sạch là mục tiêu để phát triển cây tiêu bền vững.
Với tình dịch dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu lớn của hồ tiêu Việt Nam như: Ấn Độ, Mỹ, châu Âu được dự báo sẽ cần thời gian dài mới phục hồi. Thêm vào đó, tình hình sản xuất tiêu trong nước cũng không thuận lợi. Ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, giá tiêu xuống thấp đã khiến nông dân không còn mặn mà việc chăm sóc vườn tiêu. Cùng với đó, tình hình sâu bệnh dẫn tới năng suất các vườn tiêu giảm.
Trong bối cảnh hiện tại, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu tập trung khai thác hiệu quả khu vực đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa, thị trường các nước châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa bằng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.
(PA)