00:00 Số lượt truy cập: 2988139

Đem hương quế Bắc Hà bay xa 

Được đăng : 17/08/2022
Sinh ra trong gia đình có “truyền thống” trồng quế trên vùng đất Nậm Đét, nơi được là mệnh danh là “thủ phủ” quế của huyện Bắc Hà), tỉnh Lào Cai, từ nhỏ, chàng thanh niên dân tộc Dao - Triệu Phúc Lý đã có tình yêu đặc biệt với cây quế. Tình yêu đó thôi thúc anh học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư xưởng quế tại địa phương, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến sâu sản phẩm quế, đưa hương quế Nậm Đét bay xa. Thành công của HTX Chiến Thắng do anh làm giám đốc đã mở hướng đi mới, phù hợp, giúp người dân phát triển kinh tế, nhất là những vùng trồng quế quy mô lớn như Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên…

que12

Anh Triệu Phúc Lý đang hướng dẫn công nhân cách chế biến sản phẩm từ quế


Anh tâm sự, sinh ra trong một gia đình có truyền thống với nghề trồng quế.
Bà ngoại anh là cụ Triệu Mùi Pham, người đầu tiên đưa cây quế về địa phương trồng, anh được bà ngoại truyền dạy kinh nghiệm canh tác cây quế. Từ nhỏ, cuộc sống của gia đình anh và nhiều người dân trong xã đã gắn liền với cây quế. Xung quanh nhà, những chỗ đất trống thì trồng thêm cây quế, nhà nào cũng trồng năm bảy cây quanh nhà và trên đồi, nhiều cây quế ở đầu nhà to bằng cả người ôm… Anh thường hay nghe bà ngoại kể chuyện trước đây, cây quế không được khai thác và có giá trị như bây giờ, nên chỉ là thu nhập phụ thêm, cuộc sống bà con trong thôn vẫn phụ thuộc vào cây ngô, con gà, con lợn. Vì thế anh luôn trăn trở, suy nghĩa phải làm sao để tháo gỡ khó khăn cho bà con trồng quế.

Sau này, khi lớn lên, anh Lý nhận thấy quế là cây trồng không chỉ gắn bó lâu đời với bà con xã Nậm Đét mà còn là cây có giá trị kinh tế cao, cho nguồn thu nhập ổn định từ bán lá, cành, lẫn vỏ… Anh quyết tâm lựa chọn cây quế để đầu tư làm giàu cho gia đình và phát triển kinh tế địa phương. Năm 2012, anh xin gia đình bán nửa đồi quế là “của để dành” làm “lộ phí”. Anh lặn lội đến những địa phương trồng, chế biến quế lâu đời như Yên Bái, Hưng Yên, rồi vào tận Quảng Nam để học hỏi, tìm hiểu thêm về cây quế, về thời gian sinh trưởng và phát triển, về kỹ thuật chăm sóc và về cách tiếp cận thị trường tiêu thụ… Rồi anh xin vào làm công nhân tại một vài công ty xuất khẩu quế để nắm kỹ thuật và quy trình sản xuất. Những kinh nghiệm học được, anh ghi chép cẩn thận. Qua những chuyến đi, anh rút ra một điều quan trọng, nếu được chế biến càng sâu thì giá trị của quế càng cao và đầu ra sẽ ổn định. Sau nhiều năm gắn bó với cây quế, thành công cũng có mà thất bại cũng nhiều nhưng tất cả đều là bài học kinh nghiệm quý giá để giúp anh trưởng thành hơn.

Mô hình trồng quế theo quy trình hữu cơ của gia đình anh tuân thủ theo yêu cầu không được bón phân, không được sử dụng thuốc diệt cỏ hay bất cứ hóa chất nào. Cây quế cũng không được tưới nước mà phải dựa hoàn toàn vào nước mưa. Phải ghi chép nhật ký từng ngày chăm sóc để làm tài liệu cho cán bộ dự án thực hiện thủ tục xin cấp chứng nhận sản phẩm. Công việc chăm sóc vất vả hơn, vì hàng ngày phải làm cỏ bằng tay, không để cỏ gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của quế. Bù lại, thu nhập cao hơn trước. Nhờ trồng theo quy trình hữu cơ nên được doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm quế với giá cao hơn so với khi bán cho thương lái. Giá bán các loại quế là 80.000/1kg quế chẻ, 100.000/1kg quế ống sáo, hàng năm thu về cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng.

Ban đầu anh Lý thu mua quế từ bà con nông dân tại xã rồi bán lại cho các nhà máy chế biến xuất khẩu quế. Đến năm 2016, Hợp tác xã (HTX) Nông - lâm nghiệp Chiến Thắng (HTX Chiến Thắng) do anh Lý làm Giám đốc được thành lập, hoạt động hiệu quả, không những đem lại nguồn thu lớn cho gia đình, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho 30 lao động trong vùng. Trước đây, lao động chỉ làm theo mùa vụ nhưng hơn 1 năm trở lại đây, nhân công của HTX làm việc cả năm. Khi hết 2 vụ quế, người làm công sẽ làm chổi, đóng bầu ươm hạt, đóng cây… Nhờ đó, thu nhập của người lao động ổn định, trung bình từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng

Hiện tại, HTX Chiến Thắng đang chế biến 3 loại vỏ quế cơ bản: Những sản phẩm vỏ quế đã được cạo vỏ, bào mỏng, sau khi phơi khô thì cuộn nhỏ lại như ống sáo được gọi là vỏ quế “ống sáo”; loại to hơn, nặng và dày hơn gọi là “ống điếu” và loại còn lại gọi là “hàng chẻ”. HTX còn sản xuất một số mặt hàng như bột quế, quế cậng, quế cắt tròn, quế chặt vuông, quế đẽo, quế chi… Khi đã làm chủ được quy trình sản xuất, cho ra những sản phẩm chất lượng và đẹp mắt, anh Triệu Phúc Lý đem hàng đi trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ.Với quy trình sản xuất bài bản, các sản phẩm làm ra được bạn hàng đón nhận, đơn vị xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ và Ấn Độ. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã Nông - lâm nghiệp Chiến Thắng xuất bán khoảng 700 - 1.000 tấn sản phẩm, doanh thu trung bình 10 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với thu nhập từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng.Anh chủ động tuyên truyền, mở lớp tập huấn miễn phí về sơ chế quế vỏ cho người dân trong xã bằng việc hướng dẫn thực hành, cầm tay chỉ việc thay cho việc giảng lý thuyết, làm đến đâu chắc đến đó, cái gì chưa làm được phải hướng dẫn ngay bằng chính nguyên liệu của mỗi người. Vỏ quế khi được sơ chế, giá trị tăng hơn nhiều. Cụ thể, giá thu mua quế sau sơ chế thành hàng ống điếu là 60 nghìn đồng/kg, hàng ống sáo 73 nghìn đồng/kg, hàng thuốc lá 140 nghìn đồng/kg. Nếu bình thường, người dân chỉ bán được từ 38 nghìn đồng đến 40 nghìn đồng/kg vỏ quế khô.

Anh Triệu Phúc Lý là người tiên phong và có nhiều sáng kiến, áp dụng kỹ thuật trong sản xuất, chế biến sâu sản phẩm quế tại địa phương. Hiệu quả mà mô hình đem lại là hướng đi mới, phù hợp, giúp người trồng quế nâng cao thu nhập. Ghi nhận những đóng góp của anh cho cộng đồng và quê hương, năm 2017, anh Triệu Phúc Lý được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương là 1 trong 10 gương nông dân tiêu biểu về khởi nghiệp, năm 2018 anh Lý đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Thùy Dung