Các cơ sở giáo dục, đào tạo tại huyện Mê Linh đều được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại.
Huyện Mê Linh nằm ở phía Tây Bắc của Thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 30km, với tổng diện tích đất tự nhiên 14.129,3 ha, bao gồm 18 đơn vị hành chính (16 xã và 02 thị trấn).
Ngoài việc xây dựng hạ tầng nông thôn, huyện Mê Linh còn chú trọng tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, bước đầu xây dựng được thương hiệu hàng hóa nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Giai đoạn 2010-2020, huyện đã bố trí hơn 4.011 tỷ đồng, tập trung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn. Theo đó, giao thông, điện, viễn thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp; công tác quy hoạch được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Tỷ lệ hài lòng của người dân trong xây dựng NTM đạt từ 96% - 99%.
Các vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn tại huyện Mê Linh như vùng chuyên canh rau (xã Tráng Việt, Tiền Phong, Văn Khê...), vùng chuyên canh hoa (Mê Linh, Thanh Lâm, Đại Thịnh, Kim Hoa, Văn Khê), vùng chuyên canh cây ăn quả (Tráng Việt, Hoàng Kim, Văn Khê...), vùng chăn nuôi tập trung (Tam Đồng, Liên Mạc, Tiến Thắng...). Trong đó rau, hoa có sản lượng cung cấp, đáp ứng cho từ 20- 25% lượng tiêu thụ của người dân Thủ đô. Thu nhập bình quân quân đầu người khu vực nông thôn của huyện năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người, năm 2021 đạt 58,6 triệu đồng/người.
Bà Nguyễn Thị Dung (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) cho biết chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh đã làm thay đổi diện mạo nông thôn khang trang, sáng - xanh sạch - đẹp, đời sống người dân chúng tôi ngày càng được nâng cao.
Đối với hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn: Giao thông nông thôn, điện, viễn thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa; giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp; công tác quy hoạch được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân từng bước được cải thiện.
Huyện Mê Linh tập trung tối đa mọi nguồn lực để tổ chức phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Chủ tịch huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn khẳng định, xây dựng NTM là quá trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, chính vì vậy, huyện Mê Linh phấn đấu đến năm 2025 sẽ duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện NTM, tiến tới xây dựng NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu để đảm bảo xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững: Kinh tế phát triển, hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại; môi trường sinh thái trong lành; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê; chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng nâng cao.
Ngày 8/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 690/QĐ-TTg công nhận huyện Mê Linh đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng và cũng là dịp để huyện giới thiệu, quảng bá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thành tựu trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Mở ra một chặng đường mới, là tiền đề, động lực để Đảng bộ, nhân dân huyện Mê Linh tiếp tục quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, xây dựng mô hình Thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới.
Phạm Hưng