00:00 Số lượt truy cập: 2987219

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi” 

Được đăng : 22/11/2021
Ngày 19/11/2021, tại Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & PTNT) và Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi” theo hình thức trực tuyến tại 6 điểm cầu, gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội và 2 điểm cầu tại Hòa Bình.

th 

Mô hình minh họa kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp 

Tại Việt Nam, thuật ngữ “nông nghiệp tuần hoàn” còn khá mới mẻ, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến nay chưa đầy đủ và đúng nghĩa, song một số mô hình gần với kinh tế tuần hoàn đã và đang xuất hiện, tạo cơ hội cho kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp phát triển, như là: mô hình Vườn - Ao - Chuồng – Biogas; mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất tổng hợp bò - trùn quế - cỏ/ngô - gia súc, gia cầm – cá … Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, là hoạt động sản xuất theo chu trình khép kín, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm... làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc ứng dụng công nghệ sinh học ...

Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, phát triển kinh tế tuần hoàn đã và đang là xu hướng của các quốc gia trên thế giới. Trong thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn không chỉ tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn mang lại 4 lợi ích cụ thể giúp phát triển bền vững, đó là: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế và lợi ích xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, nông nghiệp tuần hoàn nói chung và chăn nuôi tuần hoàn nói riêng là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm. Ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển ngành chăn nuôi.

Theo báo cáo của các địa phương, ước tính hàng năm ngành chăn nuôi Việt Nam tạo ra khoảng hơn 60,6 triệu tấn chất thải rắn. Đây là một lợi thế lớn cho việc phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn, điển hình là những hướng dẫn về nội dung, bản chất, lợi ích của nông nghiệp tuần hoàn cũng như các quy định, tiêu chí để nhận diện và đánh giá mô hình nông nghiệp tuần hoàn chưa rõ ràng, thậm chí chưa có. Điều này dẫn tới nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân về nông nghiệp tuần hoàn chưa đầy đủ…

Tại diễn đàn, đại diện điểm cầu Hà Nội cho hay, trong thời gian vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tham mưu, xây dựng và triển khai nhiều dạng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, có tính cạnh tranh, góp phần vào việc phát triển chăn nuôi bền vững, tạo ra các sản phẩm an toàn chất lượng có thương hiệu, phát triển chuỗi liên kết, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay. Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên 41.000 hệ thống biogas, theo chương trình sử dụng khí sinh học theo nhiều công nghệ khác nhau xây gạch và composite, có 04 công trình xử lý công nghệ CDM, sử dụng hệ thống bạt HDPE góp phần nào giảm bớt được 80-90% mùi hôi của chuồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi tại các vùng nông thôn, cải thiện chỉ số chất lượng không khí.

Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng trên 13 nghìn công trình xử lý chất thải bằng bể biogas, hỗ trợ đệm lót sinh học để xử lý chất thải cho 6 nghìn hộ chăn nuôi gà, hỗ trợ máy ép phân, bể trước và sau biogas. Đến nay, tỷ lệ trang trại đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quan tâm xây dựng hầm biogas, công trình sau biogas chiếm khoảng 40%.

Tham gia thảo luận tại diễn đàn, các hộ chăn nuôi, công ty đã trao đổi, chia sẻ về thực trạng, khó khăn, vướng mắc khi phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. Các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đã giải đáp những vướng mắc của người dân, tham gia đóng góp ý kiến để làm rõ cơ sở khoa học và cung cấp thông tin có tính đa chiều, thực tiễn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi; đồng thời, đề xuất các giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.

Linh Đan