Toàn cảnh Diễn đàn
Tham dự sự kiện này có hơn 250 đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ khuyến nông và người dân thuộc 5 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Hậu Giang, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang. Cùng với các đại biểu là doanh nghiệp, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị như Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản đã cử đại diện tham gia và chia sẻ về thực trạng ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp, lợi ích của việc ứng dụng công nghệ này đối với sản phẩm nông sản.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng: “Trước đây, nội dung diễn đàn chủ yếu mang tính kỹ thuật, nhưng gần đây đã chuyển sang nội dung mang tính kết nối, thông tin nhiều chiều, thành phần tham gia cũng đa dạng hơn. Mục đích của diễn đàn là tìm giải pháp thúc đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ gắn với truy xuất nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp, nhằm kết nối được sản xuất với thị trường”
Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Từ đó, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, vừa cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, vừa tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng "được mùa, mất giá".
Ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh: “Để hướng tới nền sản xuất thực sự minh bạch, thì cần minh bạch từ khâu sản xuất. Muốn vậy, phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi thủy sản, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thị trường”.
Tại diễn đàn, các đại biểu được nghe trình bày về thực trạng và giải pháp thúc đẩy mối liên kết và tiêu thụ nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc; ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc dựa trên nền tảng công nghệ blockchain; các giải pháp thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Đại diện iCheck là ông Nông Văn Phước- Chuyên gia Truy xuất nguồn gốc, đã giới thiệu các mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản đạt hiệu quả cao ngay tại diễn đàn. Theo ông Phước, Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp được chứng nhận đáp ứng yêu cầu sản phẩm để lưu hành trong nước và quốc tế và được phép tích hợp với hệ thống truy xuất quốc gia. Về quy trình, doanh nghiệp có thể quản lý đầy đủ hồ sơ nông trại, vùng sản xuất, nhà xưởng đóng gói, nhà máy chế biến theo tiêu chuẩn GS1 toàn cầu. Doanh nghiệp dễ dàng chứng minh được năng lực sản xuất, chất lượng, sản lượng và tính ổn định của sản phẩm thông qua thông tin, nhật ký điện tử, đóng góp bởi tất cả thành viên trên toàn chuỗi liên kết.
Một số đại biểu đại diện các trung tâm khuyến nông, dịch vụ nông nghiệp các tỉnh trong khu vực cũng chia sẻ tại diễn đàn một số mô hình ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, chứng nhận hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc. Các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm; vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp…
Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, ông Trần Chí Hùng cho ý kiến: “Qua diễn đàn hôm nay, giúp chúng ta đánh giá về hiện trạng ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc hiện nay ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua; đồng thời phổ biến rộng rãi đến nông dân, các tổ chức, cá nhân, công ty và doanh nghiệp về các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; cũng như thông tin với bà con về liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản gắn với quy trình sản xuất tốt, xây dựng thương hiệu, đăng ký mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc;… Đặc biệt là đề ra các giải pháp thiết thực giúp thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc tại tỉnh Hậu Giang nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong thời gian tới được tốt hơn”.
Dương Mai