Ngày 11/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2020 với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển – xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Đổi mới, Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong khuôn khổ Diễn đàn diễn ra hai phiên thảo luận: phiên 1 với chủ đề xây dựng và phát triển HTX trong thời kỳ 4.0; phiên 2 với chủ đề Liên kết, hợp tác cùng phát triển
Thời gian vừa qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều biến động và ảnh hưởng đến Việt Nam, ngân sách hạn hẹp, nhưng khu vực HTX vẫn hoạt động khá ổn định. Đã xuất hiện một số HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng trên nhiều tỉnh, doanh thu cao hàng trăm tỷ đồng, thu hút nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách. Đến nay, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp tích cực vào tổng sản phẩm trong nước (GDP). Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cả nước đang thu hút hơn 3 triệu lao động, tạo hơn 40 nghìn việc làm mới hằng năm...
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho thấy, đến nay đã có 53/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương; có 47/63 tỉnh, thành phố ban hành danh mục các ngành hàng, sản phẩm chủ lực quan trọng cần khuyến khích của tỉnh; 33/63 tỉnh ban hành phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết… Hiện cả nước có 26.040 hợp tác xã, trong đó có 1.292 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 3.220 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015. Ngoài ra, cả nước hiện có hơn 500 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy mô hơn 300 thành viên, tổng nguồn vốn hơn 5 tỷ đồng và doanh thu hơn 5 tỷ đồng/năm (tăng 4 lần so với giai đoạn 2011-2015).
Trong bối cảnh cạnh tranh hàng hóa diễn ra rất gay gắt, cả thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt năm 2020 với nhiều bất ổn khi đại dịch COVID-2019 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu thì Hợp tác xã nông nghiệp là mô hình tối ưu để tăng tính cạnh tranh. Sản phẩm của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của các sản phẩm mới, kể cả sản phẩm nội địa và đặc biệt là sự xâm lấn của thị trường nước ngoài sau khi các hàng rào thuế quan dần được xoá bỏ theo các thoả thuận thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia. Thông qua sự hợp tác này, HTX phát triển ngày càng vững mạnh, đối đầu được với những khó khăn, thách thức và cạnh trạnh từ bên ngoài. Khi các HTX đủ lớn mạnh cũng sẽ tạo được sự bình đẳng với doanh nghiệp trong đàm phán, gia nhập, mở rộng thị trường và hợp tác kinh doanh. Hơn nữa trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển sang nền kinh tế thị trường đầy đủ thì việc phát triển kinh tế thị trường, hợp tác xã là một thể chế kinh tế tất yếu.
Để khu vực kinh tế tập thể, HTX phát huy vai trò của của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước kinh tế tập thể, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã; tăng cường hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể; đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã; tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, HTX; tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX…
Hùng Nguyên