Trồng tre Lục Trúc lấy măng cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm
Sinh ra và gắn bó với nghề nông, anh Dương Quốc Huy thôn Tiên Do, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang,đã xoay sở, thử nghiệm với nhiều giống cây trồng, mô hình sản xuất. Nhờ may mắn 'bén duyên' với cây tre Lục Trúc, vừa đáp ứng mong muốn của anh về một giống cây hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong một lần có thể thu lợi trong 10 năm.
Tre Lục Trúc có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ và được trồng rộng rãi trên đảo Đài Loan nên thường được gọi là tre Đài Loan. Khi măng mới nhú lên khỏi mặt đất là phải đào ngay, phần dưới còn 6 mắt tiếp tục phát triển thành 6 cây măng khác nên được gọi là măng Lục Trúc.
Để thử nghiệm với cây Lục Trúc, năm 2020 anh mạnh dạn phá bỏ một phần vải thiều và táo để trồng 750 khóm tre. Anh nghĩ trồng tre Lục Trúc cũng đơn giản như các loại tre bản địa khác. Thế nhưng, do chưa có kinh nghiệm nên tre bị chết khá nhiều. Với quyết tâm thực hiện bằng được mô hình, anh Huy tiếp tìm tòi học hỏi sách báo, internet và các mô hình trồng hiệu quả, anh đầu tư trồng lại, lần thứ 2 này anh đã thành công. Cây phát triển nhanh, độ phủ rộng, cành trồng càng nhân lên, sau một năm tre đã cho thu măng với sản lượng cao. Cây tre Lục Trúc đã cho thu hoạch măng và khai thác trong 8 đến 10 năm.
Đây là loại măng đã được lựa chọn xuất khẩu do chất lượng ngon, ngọt thanh, không bị đắng, không he như loại măng khác.Măng có thể chế biến thành nhiều món ăn như nộm, luộc, xào hay lẩu, nước luộc ngọt thanh, không bị đắng, he như loại măng khác nên được thị trường ưa chuộng. Hơn nữa trồng măng Lục Trúc không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm bảo đảm sạch, an toàn.
Thấy hiệu quả cứ thế anh trồng thêm mỗi lúc một ít. Vừa trồng vừa nghe ngóng thị trường và học hỏi kinh nghiệm. Nhận thấy thị trường còn rộng lớn, cung chưa đủ đáp ứng nhu cầu, anh mạnh dạn đầu tư trên diện tích rộng. Đến nay, anh đã nhân rộng diện tích trồng tre Lục Trúc lên 1500 khóm ( tương đương trên 1 ha).
Hiện nay mô hình của anh được kết hợp giữa vừa trồng lấy măng vừa xuất giống ra thị trường. Anh chia ra từng khu vực trồng khác nhau, khu trồng để lấy măng, khu trồng để nhân giống. Măng tre được tập trung lấy từ tháng 3 đến tháng 9. Sau đó, anh để măng phát triển đến tháng 1 năm sau bắt đầu thu cây giống trong khoảng 2 tháng.
Về kỹ thuật trồng anh Huy chia sẻ, trồng tre Lục Trúc không có nhiều rủi ro về sâu bệnh hay thời tiết nhưng để có được thành công cần phải có thời gian đúc kết kinh nghiệm. Cây có sức sống và chống chịu tốt. Đặc biệt, không phải sử dụng thuốc sâu. Dùng ít phân hoá học, đa số chăm bón cây bằng các phụ phẩm từ chăn nuôi và các cây trồng khác.
Đặc biệt, cây tre Lục Trúc này cho hiệu quả kinh tế từ gốc đến cành. Ngoài việc lấy măng, các cành tre có thể được triết làm cây giống. Mỗi cây giống có giá bán từ khoảng 70 đến 100 nghìn đồng. Tính trên diện tích 1ha, tiền mua cây giống và chi phí chăm sóc chỉ vào khoảng 100 triệu nhưng cho thu nhập khoảng từ 400 đến 500 triệu. Từ mô hình này, anh tạo việc làm thường xuyên cho từ 4-5 lao động. Những lúc mùa vụ, tạo việc làm cho trên 10 lao động với thu nhập từ 300.000-400.000 đồng/ngày. Anh luôn sẵn sàng hỗ trợ cả về nguồn giống và kỹ thuật cho những hộ có nhu cầu phát triển kinh tế từ cây tre Lục Trúc
Tới đây anh Huy dự định tiếp tục phát triển nhân rộng mô hình trồng tre Lục Trúc, vừa để nâng cao thu nhập cho gia đình vừa tạo việc làm cho thêm nhiều lao động địa phương. Anh cũng hy vọng đây sẽ là mô hình phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, có thể tiếp tục nhân rộng, qua đó giúp người nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập bền vững.
Hoàng Anh