Xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo cho những miền quê huyện Yên Phong
Phát huy sức mạnh tổng thể
Trong hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Phong đã xây dựng được sự gắn kết, đồng thuận cao của người dân và hệ thống chính trị. Chính vì vậy tổng số vốn đã huy động được để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là gần 2.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 850 tỷ đồng; ngân sách huyện gần 197 tỷ đồng; ngân sách các xã hơn 905 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp hỗ trợ và nguồn vốn khác hơn 45 tỷ đồng.
Nhờ vậy, kinh tế - xã hội của huyện Yên Phong ngày càng phát triển, hạ tầng nông thôn từ các thôn, xóm đến xã, huyện đều được tăng cường. Bộ mặt nông thôn đổi mới, khang trang, hiện đại, xanh-sạch-đẹp; quốc phòng-an ninh được củng cố, tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và đặc biệt là đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên.
Ông Lưu Văn Mùi - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong cho biết: Điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới của Yên Phong chính là đã phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân, khi người dân đã hiểu và tin tưởng thì “Khó vạn lần dân liệu cũng song”. Trong công tác làm đường giao thông, trường học, trạm y tế, nâng cấp kênh mương nội đồng… người dân Yên Phong đã tự nguyện hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất, đóng góp trên 30.000 ngày công lao động. Điều này đã khẳng định được hiệu quả khi phát huy được sức mạnh toàn dân và chủ trương đúng đắn của huyện Yên Phong trong quá trình tập hợp nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi về xã Long Châu (huyện Yên Phong) một trong số những đơn vị điển hình về việc phát huy sức mạnh nhân dân trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Thái - Chủ tịch UBND xã Long Châu phấn khởi cho biết: Để về đích nông thôn mới, Long Châu đã huy động nguồn kinh phí trên 96 tỷ đồng; trong đó nguồn lực từ nhân dân đóng góp trên 51 tỷ đồng, chiếm trên 53% tổng số kinh phí thực hiện. Ngoài việc đóng góp ngày công, tiền… thì người dân cũng rất hăng hái trong phong trào hiến đất để làm hạ tầng cho các tiêu chí của nông thôn mới.
Là hộ gia đình tiêu biểu trong hiến đất làm nông thôn mới, ông Nguyễn Bá Đầm ở thôn Đại Chu (xã Long Châu) cho biết: Hiểu rõ về chương trình xây dựng nông thôn mới, vì vậy khi Nhà nước cần đất để làm hạ tầng nông thôn mới, gia đình tôi đã tự nguyện hiến 700 mét vuông đất và hoa màu mà không nhận bất kỳ một tiền đền bù hoa màu nào của chính quyền.
Gia đình ông Đầm là 1 trong số rất nhiều những gia đình ở thôn Đại Chu đã tích cực tham gia hiến đất cho chương trình xây dựng nông thôn mới; tính từ năm 2011 đến nay, người dân thôn Đại Chu đã tự nguyện hiến 13.000 mét vuông đất để làm trường mầm non và các công trình công cộng. Ngoài ra người dân thôn Đại Chu còn đóng góp hơn 1.200 ngày công và gần 1 tỷ đồng để xây dựng trên 2km đường bê tông đường làng, ngõ xóm trong thôn. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn đã có nhiều sự thay đổi, đời sống nhân dân được nâng cao.
Đời sống tinh thần người dân ngày một nâng cao
Cùng với kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân cũng là một nhiệm vụ được huyện Yên Phong tích cực tổ chức, triển khai và thực hiện: Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thì Huyện ủy, UBND huyện Yên Phong cùng các cấp chính quyền và người dân luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt tiêu chí số 16 về văn hóa, trọng tâm là thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Từ đó đã tạo thành nhiều phong trào thi đua sôi nổi, hưởng ứng tích cực, với những hoạt động thiết thực, hiệu quả như: Phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, làng đạt chuẩn văn hóa; các hộ gia đình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới như: Tạo dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; các hoạt động tương thân tương ái, mối quan hệ xóm làng ngày càng được phát huy; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn và các chính sách anh sinh xã hội được thực hiện tốt.
Ông Lưu Văn Mùi - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong cho biết thêm: Chính vì vậy đến cuối năm 2021 khi bình xét đã có 61/75 (81,33%) làng, khu phố trên địa bàn đạt danh hiệu văn hóa; 27 làng, khu phố đạt danh hiệu làng văn hóa 5 năm liền, trong đó có 4 làng, khu phố tiêu biểu được Chủ tịch UBND huyện Yên Phong khen thưởng: Thọ Vuông (xã Đông Thọ), Nguyệt Cầu (xã Tam Giang), Diên Lộc (xã Hòa Tiến) và An Tập (xã Yên Phụ). Các làng, khu phố đạt danh hiệu văn hóa đều có đời sống kinh tế ổn định và đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh; môi trường cảnh quan sạch đẹp; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng.
Thực hiện nếp sống văn minh 13 xã và thị trấn trên địa bàn huyện Yên Phong đã chỉ đạo các làng, khu phố xây dựng quy ước làng, khu phố, nhất là các tiêu chí phấn đấu danh hiệu làng văn hóa, gia đình văn hóa, không sinh con thứ 3, không mắc các tệ nạn xã hội... Việc cưới tổ chức gọn nhẹ, trong thời gian ngắn, số lượng người tham gia phù hợp tình hình thực tế; trong đám cưới không tổ chức bày thuốc lá tại bàn mà chỉ có bánh kẹo hoặc trầu cau, không mở nhạc quá khuya, trong 6 tháng đầu năm 2022 có 362/369 đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh đạt 98,1%. Thực hiện việc tang, các địa phương thành lập Ban tổ chức tang lễ, khi có người quá cố đã làm thủ tục khai tử với UBND xã, thị trấn; các đám tang thực hiện không để hài cốt trong nhà quá 36 giờ theo quy định của Bộ Y tế; các hủ tục trong đám tang cũng dần được xóa bỏ, thực hiện không tổ chức làm cỗ trong ngày tang lễ.
Có thể thấy rõ được rằng các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới đã “thổi luồng gió mới” vào đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân huyện nông thôn mới Yên Phong; kinh tế ngày một khá giả, đời sống tinh thần của người dân ngày một nâng cao, giờ đây trên địa bàn huyện Yên Phong đã ngày càng hiện hữu những miền quê đáng sống.
Hoàng Tính