00:00 Số lượt truy cập: 2661903

Đối thoại với nông dân, cách làm hay trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân của Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang 

Được đăng : 21/11/2019

 

Sáng 22/10, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức thành công Hội nghị "Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hội viên, nông dân và Ký liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản..."

Ðối thoại, tiếp xúc với nông dân là một hoạt động rất quan trọng. Thông qua đối thoại giúp cấp ủy đảng, chính quyền lắng nghe để nắm rõ hơnđời sống,tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân dân; qua đó thấy rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn những hài lòng, mong muốn và mong chờ ở Ðảng của nông dân. Đồng thời giải đáp những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp và thủy sản tại địa phương. Đây là một trong những cách làm thiết thực, hiệu quả và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của hội viên, nông dân trên địa bàn.

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025; thực hiện được vai trò, nhiệm vụ trong việc hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Bằng các chương trình, việc làm cụ thể, thiết thực Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh (khoá IX) đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/HNDT về việc Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang tham gia phát triển kinh tế tập thể, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương giai đoạn 2019-2023.

Tại Hội nghị đối thoại các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng với Thường trực Hội Nông dân tỉnh bằng tinh thần cởi mở, tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc những ý kiến, đề xuất của hội viên, nông dân và đã thông tin những chủ trương, những chính sách mới của Đảng, Nhà nước và của tỉnh cho người dân biết, đồng thời có cơ sở để giám sát việc triển khai thực hiện chính sách đó.

Hầu hết ý kiến đối thoại tập trung vào các vấn đề liên quan đến hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp; đề nghị nghiên cứu đánh giá về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để hướng dẫn, định hướng cho nông dân phát triển các cây trồng phù hợp; cung cấp thông tin để nông dân chủ động trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; tăng cường quản lý chất lượng phân bón trên thị trường; tăng mức hỗ trợ cho các hộ dân vùng đặc biệt khó khăn tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, hội viên nông dân còn đề nghị tỉnh chỉ đạo ngân hàng tạo điều kiện cho các hộ đã vay 50 triệu đồng có nhu cầu vay thêm phát triển kinh tế-xã hội theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT ngày 22-2-2019 của Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục vay bổ sung thêm không trả lại nợ cũ, tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo,... Để làm được điều đó cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách đẩy mạnh hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng bền vững; mạnh dạn áp dụng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi liên kết hàng hóa, hình thành những vùng chuyên canh sản xuất; phát triển kinh tế tập thể, nâng cao năng lực phát triển trong sản xuất nông nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh đã thể hiện rõ sự chân thành, thẳng thắn khi nhận được những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân. Quan trọng hơn, những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc được bàn thảo, giải quyết tận gốc, qua đó lòng tin của nông dân với chính quyền được củng cố vững chắc. Một số vấn đề thuộc thẩm quyền được giải quyết ngay tại cuộc đối thoại đã làm hài lòng hội viên, nông dân. Thông qua đó tạo được niềm tin của nông dân đối với Đảng, chính quyền.

Việc tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hội viên, nông dân đã được phối hợp tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Qua đối thoại giúp, người dân hiểu hơn về trách nhiệm công dân trong thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tại cuộc đối thoại, nông dân được cung cấp thêm thông tin để từ đó hiểu rõ, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn những thuận lợi, khó khăn của địa phương,... Đây là khâu rất quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, những nguyện vọng chính đáng của người dân. Đối thoại với nông dân tăng cường sự chia sẻ giữa cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân. Việc lắng nghe, đối thoại với nông dân của lãnh đạo tỉnh trở nên cần thiết và quan trọng, được dư luận đồng tình, hoan nghênh.

Trong thực tế, người dân rất mong muốn được trực tiếp gặp người đứng đầu cơ quan chính quyền, đề xuất các kiến nghị của mình. Để giúp người đứng đầu trực tiếp thực hiện đối thoại với hội viên, nông dân đạt hiệu quả cao, Hội Nông dân tỉnh cơ quan tham mưu đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, thực hiện và vận dụng đúng các quy định của pháp luật về tiếp công dân. Đặc biệt, nắm vững, hiểu thấu đáo những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tại buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp trao đổi, giải đáp các nội dung mà cán bộ, hội viên nông dân quan tâm. Những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn trong quá trình tổ chức sản xuất.

Cũng tại tại hội nghị, nhiều hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đã được ký kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tổng giá trị các hợp đồng kinh tế, thỏa thuận hợp tác được ký kết lên tới trên 120 tỷ đồng. Tiêu biểu như Công ty CP Nông sản Phú Gia (Thanh Hoá) ký hợp tác cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm thức ăn chăn nuôi với Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành Tuyên Quang với số lượng dự kiến 5.000 con bò/năm, tổng giá trị 60 tỷ đồng; Công ty CP T&T 159 (Hà Nội) ký hợp đồng cung cấp các dịch vụ về triển khai tiêu thụ phân bón hữu cơ vi sinh, cung cấp bê đực giống và bao tiêu sản phẩm dự kiến 2.500 bò với tổng giá trị 30 tỷ đồng/năm; Công ty TNHH thực phẩm Mạnh Quang ký thỏa thuận hợp tác với Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành Tuyên Quang trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm thịt trâu, bò, giá trị khoảng 30 tỷ đồng/năm; Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang ký biên bản chương trình hợp tác với Công ty CP đầu tư và bán lẻ BT hỗ trợ hội viên, nông dân khởi sự kinh doanh tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao và ghi nhận ý tưởng, tổ chức hội nghị, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hội viên, nông dân gắn với việc Ký liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản; góp phần thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong các tổ chức chính trị xã hội, Hội Nông dân tỉnh là tổ chức đầu tiên thực hiện được một Hội nghị đối thoại và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đây là việc làm mới có sức lan toả trong hội viên, nông dân; có ý nghĩa rất thiết thực, sát với nhu cầu cụ thể của hội viên, nông dân và phát huy được tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.Đồng chí đề nghị các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, tạo điều kiện để hội viên nông dân tiếp cận tốt hơn những cơ chế, chính sách của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để nhân dân nắm bắt, tiếp cận các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản; thực hiện có hiệu quả quy hoạch chăn nuôi tập trung có kiểm soát gắn với bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền các quy định của pháp luật vệ quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu áp dụng quy định có lợi cho khách hàng là hộ nghèo đang vay tiền ngân hàng không phải trả nợ cũ, nâng mức vay cho nông dân…  

Thông qua hoạt động đối thoại việc lắng nghe, ghi nhận và giải quyết thấu tình đạt lý các vấn đề quan trọng một lần nữa khẳng định; củng cố thêm niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền; có cái nhìn toàn diện hơn về tình hình kinh tế- xã hội của địa phương. Từ đó làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp Hội và mỗi hội viên nông dân.

Có thể khẳng định, việc đối thoại góp phần phát huy dân chủ, giúp hội viên, nông dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, góp phần thực hiện hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Qua đó vai trò của người đứng đầu được nâng cao giúp chính quyền địa phương nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân; góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gần dân, do dân, vì dân. Qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

                           Phạm Thị Lan - Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang