00:00 Số lượt truy cập: 2990157

Dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng lớn nhờ tích tụ ruộng đất 

Được đăng : 11/07/2018
Thời gian qua, xuất phát từ yêu cầu tích tụ ruộng đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa, đẩy mạnh thâm canh, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, tạo ra ngày càng nhiều vùng nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, quá trình tích tụ ruộng đất ở nước ta đã có những chuyển biến rõ nét.

Đến năm 2016, cả nước có 2.294 xã (chiếm 25,6%) tiến hành dồn điền đổi thửa. Diện tích  dồn điền dổi thửa là 693,7 nghìn ha, chiếm 6,0% diện tích sản xuất nông nghiệp. Những vùng có quy mô ruộng đất bình quân đầu người thấp là nơi tiến hành tích cực nhất, như ở Đồng Bằng Sông Hồng (có 69,1% tổng số xã thực hiện dồn điền đổi thửa), Bắc Trung Trung Bộ (có 32,2% số xã).

Nhờ dồn điền đổi thửa, diện tích một thửa đất sản xuất nông nghiệp bình quân cả nước đã tăng từ 1.619, 7 m2 năm 2011 lên 1.843,1 m2, năm 2016. Đến nay quy mô thửa ruộng lớn nhất là ở Đông Nam Bộ (8.759,3 m2/thửa), Tây Nguyên (5.711,5 m2/thửa), Đồng bằng sông Cửu Long (5.399,0 m2/thửa). Diện tích bình quân thửa ruộng tăng kéo theo số thửa bình quân một hộ có sử dụng đất sản xuất nông nghiệp giảm, giúp giảm bớt tình trạng nhỏ lẻ, manh mún của đất sản xuất nông nghiệp. Năm 2016, số thửa bình quân một hộ là 2,5 thửa, giảm 0,3 thửa so với năm 2011.

Mô hình cánh đồng lớn ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương. Đến giữa năm 2016, cả nước đã xây dựng được 2.262 cánh đồng lớn với tổng diện tích gieo trồng là 579,3 nghìn ha. Trong đó có 1.661 cánh đồng lúa (516,9 nghìn ha), 162 cánh đồng rau (17,0 nghìn ha), 95 cánh đồng mía (14,0 nghìn ha), 50 cánh đồng ngô (3,5 nghìn ha), 38 cánh đồng chè búp (7,6 nghìn ha) và 256 cánh đồng lớn trồng các loại cây khác (20,4 nghìn ha). Hai vùng đồng bằng chủ lực có nhiều cánh đồng lớn nhất, Đồng bằng sông Hồng có 705 cánh dồng, chiếm 31,2%, Đồng bằng Sông Cửu Long có 580 cánh đồng, chiếm 25,6%./.

Hương Chu