00:00 Số lượt truy cập: 2987915

Đơn Dương phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao 

Được đăng : 27/11/2020

1111 

Đơn Dương là huyện nằm ở phía đông nam tỉnh Lâm Đồng, giáp với Đà Lạt, huyện có độ cao trên 1.000 m. Với diện tích đất tự nhiên trên 61.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp gần 17.000 ha, đất lâm nghiệp 38.000 ha. Có 10 đơn vị xã, thị trấn với dân số trên 100.000 dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 30%. Năm 2010, Đơn Dương là một trong hai huyên khó khăn nhất của tỉnh Miền núi cao nguyên này. Kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo với năng xuất đạt ở mức thấp, thu nhập bình quân đạt 16,4 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 11,47%.

 

Thực hiện chương trình cả nước chung tay xây dựng Nông thôn mới(NTM), Đảng bộ huyện ban hành 2 nghị quyết, với quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn NTM trong thời gian sớm nhất.

Với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền từ huyện xuống đến xã, các hộ dân trong toàn huyện nghiêm túc trong việc thực hiện nghị quyết, từ đó sản xuất nông nghiệp của Đơn Dương đã từng bước được cơ cấu lại theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng khoa học-công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, đảm bảo phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững. Tận dụng lợi thế diện tích đất đai rộng lớn, màu mỡ, địa hình, khí hậu phù hợp với việc canh tác rau, hoa màu, phong trào áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình nhà kính, nhà màng, nhà lưới…được đầu tư xây dựng. Trong sản xuất đã sử dụng 100% cơ giới hóa vào các công đoạn như: Cày đất, lên luống và thu hoạch ở một số cây trồng chủ lực, chuyên môn hóa, kỹ thuật canh tác của người lao động ngày càng được nâng cao và hiện đại. Đến nay, giá trị sản xuất trên 1 ha của Đơn Dương đã đạt từ 200 triệu đồng, có nhiều mô hình giá trị sản xuất đạt từ 1 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Đơn Dương hiện cũng là huyện đi đầu của tỉnh Lâm Đồng trong chăn nuôi bò sữa với tổng đàn trên 15.000 con, tổng sản lượng sữa đạt 160 tấn/ngày, tổng thu nhập từ sữa tăng từ 460 tỷ đồng năm 2015 lên 730 tỷ đồng năm 2020.

Những thắng lợi đạt được trong việc thực hiện phong trào cả nước chung tay xây dựng NTM thể hiện ở kết quả thu nhập bình quân đầu nguồi ở Đơn Dương tăng từ 48 triệu đồng (năm 2015) lên gần 72 triệu đồng (năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,32% (năm 2015) xuống chỉ còn 0,5% (năm 2020). Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện tốt, tạo thuận lợi cho địa phương huy động nguồn lực đóng góp xây dựng NTM.

Từ huyện thuộc dạng nghèo tính trên toàn quốc, năm 2019 huyện Đơn Dương vinh dự được Chính phủ chọn làm mô hình điểm để xây dựng “NTM kiểu mẫu về Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019 – 2025”, với 4 mục tiêu: Xây dựng Đơn Dương trở thành huyện NTM phát triển toàn diện và bền vững, trở thành kiểu mẫu về sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, tạo ra khối lượng sản phẩm nông nghiệp lớn, có hàm lượng khoa học-công nghệ cao, có thị trường tiêu thụ ổn định ở trong nước và hướng đến xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2025 có 90% diện tích sản xuất rau, hoa và chăn nuôi bò sữa được ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh; giá trị bình quân 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt từ 220 triệu đồng trở lên/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2025, 100% xã được công nhận xã NTM nâng cao, trong đó 5 xã được công nhận NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh; thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng/người/năm.

Dự kiến đến cuối năm 2020, Đơn Dương sẽ có 4 trong tổng số 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 2 xã đạt NTM kiểu mẫu; thị trấn Dran, Thạnh Mỹ tiếp tục xây dựng theo định hướng đạt chuẩn đô thị văn minh.

Trường Giang