UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định số 4000/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn 2020-2025 và giai đoạn 2025-2030. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nông nghiệp đạt 4,5-5%/năm. Giá trị thu hoạch sản phẩm nông nghiệp bình quân 1 ha đất sản xuất đạt khoảng 350 triệu đồng. Tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm 70% giá trị toàn ngành nông nghiệp.
Thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp CNC đã được khuyến khích và đẩy mạnh ứng dụng vào thực tế sản xuất. Trên địa bàn tỉnh đang triển khai áp dụng 54 mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, với diện tích thực hiện trên 79.000 ha. Trong lĩnh vực trồng trọt, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 573 ha cây trồng sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP; hơn 46.000 ha ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; 210 ha diện tích cây ca cao đạt chứng nhận UTZ; 282 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C; 100% diện tích cây trồng sử dụng giống mới;…
Việc tiếp thu có chọn lọc các công nghệ của thế giới nói chung và Israel nói riêng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Đồng Nai để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế, thích nghi với sự biến đổi của khí hậu, tình trạng đất nông nghiệp bị thu hẹp và nhu cầu, thị hiếu của người dùng, xây dựng tốt thị trường xuất khẩu, ổn định bền vững thị trường trong nước.. Ngoài ra, nền nông nghiệp ứng dụng CNC Israel phải áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, phù hợp với xu thế thay đổi cơ cấu lao động trong các thành phần kinh tế. Khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nước, đặc biệt là lợi thế riêng biệt của Đồng Nai; Xây dựng chuỗi giá trị khép kín cho từng loại sản phẩm từ khâu giống đến tiêu thụ; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Mục tiêu của nền nông nghiệp công nghệ cao là hướng đến phát triển ngành nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng nông sản...cần phải huy động sự tham gia của các lực lượng nghiên cứu, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, công nghệ trong tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2030, Đồng Nai hình thành được các vùng tập trung chuyên canh cây ăn trái chủ lực phục vụ xuất khẩu, các loại sản phẩm cung cấp nguyên liệu cho chế biến. Phấn đấu 100% diện tích cây trồng được áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng CNC một phần hoặc toàn phần vào quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản.. Tỷ trọng giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết là 60% với trồng trọt, 90% với chăn nuôi và 50% với thủy sản. Thu nhập bình quân đầu người nông dân tăng ít nhất 35% so với năm 2025. 100% lao động trong các trang trại, HTX được tập huấn, bồi dưỡng ứng dụng CNC. Xây dựng được đội ngũ nhân sự, chuyên gia nông nghiệp, lực lượng được đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu sản xuất, canh tác nông nghiệp CNC, tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Thùy Dung