Cơ cấu kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo của tỉnh Đồng Tháp
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ông Phạm Thiện Nghĩa đã từng phát biểu trong hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: “Chúng tôi không xem tài nguyên là vấn đề cốt lõi trong phát triển, mà coi yếu tố con người là vấn đề quan trọng nhất. Bản quy hoạch tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát triển hài hòa, lấy hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển”.
Để kiến tạo tương lai, Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững đến năm 2030. Trong đó, nông nghiệp đổi mới là động lực chủ yếu, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đề ra mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phải thuộc nhóm tiên tiến; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống được nâng cao; mở rộng hợp tác, hội nhập sâu rộng với thế giới; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.
Với những cố gắng của Đồng Tháp, 2 thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc vinh dự là 2 trong tổng số 5 thành phố duy nhất của cả nước được UNESCO công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu”; tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội quảng bá hình ảnh, sản vật địa phương.
Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký với Bộ NN&PTNT mô hình thí điểm thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh mô hình “Xã thương mại điện tử” tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh nhằm mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch của cá nhân, tổ chức tại địa phương.
Nông nghiệp đổi mới là động lực để Đồng Tháp chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đối với ngành Nông nghiệp, tỉnh chú trọng vào chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Lấy công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi số là các mũi đột phá, hình thành hệ sinh thái công nghiệp bổ trợ (doanh nghiệp, khởi nghiệp, nông dân...) để giúp Đồng Tháp chuyển mình từ một tỉnh di cư sang một tỉnh định cư, trở thành một điểm đến của chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp bền vững toàn cầu.
Trong những năm qua, mô hình “Hội quán” đã giúp nhiều nông dân Đồng Tháp mạnh dạn, có suy nghĩ mới trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 92 “Hội quán” với gần 5.000 thành viên, đã triển khai 110 mô hình hoạt động gắn với từng ngành, nghề đặc trưng của địa phương, tạo được xu hướng mới trong hợp tác sản xuất. Đồng thời, chủ động đổi mới tư duy, tiếp cận khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Từ đó, nâng cao chất lượng kinh tế tập thể và đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân.
Chính từ mô hình hội quán, tỉnh Đồng Tháp đã và đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án “Làng thông minh” giúp người nông dân tự tìm hiểu về nhu cầu giáo dục, kết nối làm ăn, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.
Điển hình như mô hình “Cây xoài nhà tôi” của Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương, tổ chức bán hàng trên website, góp phần đưa thương hiệu xoài Cao Lãnh vươn xa ra châu Á, châu Âu đến châu Mỹ; mô hình “Canh tác lúa thông minh” của HTX Mỹ Đông 2 thực hiện thí điểm trên diện tích 7,6ha/5 hộ đã tiết kiệm được 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất. Đến nay, mô hình đã nhân rộng lên 60ha và được doanh nghiệp triển khai thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu đầu vụ…
Mô hình “du lịch cộng đồng” tại homestay Tư Cá Linh (huyện Tam Nông); ngôi nhà Hoa - Ếch, ngôi nhà tre, ngôi nhà Hoa Hồng (ở thành phố Sa Đéc) đã phát huy hiệu quả. Các mô hình đã đưa du khách về với thiên nhiên, sinh hoạt gia đình như trồng hoa, nuôi ếch, bắt cá và trải nghiệm cuộc sống nông thôn.
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Đồng Tháp có 103/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 94,78%); 26/109 xã được công nhận xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (chiếm 23,85%); 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Đã có 357 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, các sản phẩm này được kết nối đưa vào hệ thống các cửa hàng đặc sản tại các điểm du lịch…
Tỉnh cũng nhận định đến năm 2050, Đồng Tháp là trung tâm giao lưu kinh tế giữa ĐBSCL với các nước tiểu vùng sông Mekong, là trung tâm du lịch sinh thái của vùng ĐSBCL và cả nước. Đồng Tháp tiếp tục khẳng định vị trí trung tâm đầu mối nông nghiệp bền vững về thuỷ sản nước ngọt, hoa kiểng, trái cây, lúa gạo, ứng dụng công nghệ cao của khu vực, dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế. Quan trọng hơn hết, Đồng Tháp là một trong những tỉnh đáng sống và hạnh phúc của vùng với các tiêu chí hướng đến sự cân bằng, hài hòa và bền vững.
Do đó, trong quá trình xây dựng NTM ở Đồng Tháp, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được nhân rộng, phát triển mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là người nông dân.
Hoa Ban