Đáp:
Thưa bà con, quả dứa sau khi chế biến còn lại bã. Bã dứa chứa nhiều nước, lượng dinh dưỡng thấp, khó bảo quản. Bởi vậy để dùng lâu ngày ta cần ủ hoặc sấy khô. Đây là nguồn thức ăn dự trữ tốt, có thể sử dụng cho trâu, bò ăn khi khan hiếm thức ăn. Có thể ủ bã dứa trong hố hoặc bằng túi nilon. Cách làm như sau:
1. Ủ trong hố
- Rửa sạch đáy hố và xung quanh thành hố để khô ráo. Nếu đáy hố bẩn hoặc nền đất phải lót một tấm nylon.
- Bổ sung 1% NaCl, do bã dứa mủn dễ thối.
Cách làm:
- Rải một lớp bã dứa dày 20-25cm.
- Rắc muối ăn.
- Rải 2-3 lớp bã dứa lại một lần đầm nén bằng trang, vồ, ván gỗ hoặc người đi ủng dẫm. Nếu hố lớn có thể dùng xe công nông để đầm nén.
- Khi đầy hố, rắc lượt muối lên trên cùng rồi phủ tấm nylon dày và kín.
- Trên tấm nylon có thể phủ lớp đất, rơm, rạ (dày 30 cm) để tránh ánh nắng mặt trời và tạo độ nén. Tốt nhất trên hố có mái che để tránh nước mưa ngấm vào hố.
Chất lượng bã dứa ủ hoàn toàn phụ thuộc vào độ kín của tấm nylon (mức độ yếm khí) và độ nén.
Nếu tấm nylon kín (yếm khí tốt) và không bị ngấm nước (do nước mưa hoặc từ nền đất xung quanh) do tấm nylon rách hoặc thành hố không kín, thì bã dứa có thể bảo quản được 3 tháng chất lượng vẫn đảm bảo.
Nếu tấm nylon bị rách, hố bị ngấm nước thì bã dứa sẽ bị thối.
2. Ủ trong túi nylon
- Túi nylon có kích thước 1,4m x 0,8m (có thể dùng túi chứa được 200kg) và bên ngoài là bao tải sợi dai chắc. Nếu túi nylon dày không cần bao tải ngoài.
- Chọn nơi có nền cao (các khoang ô chuồng nuôi bò trống, nhà kho) gần chuồng nuôi.
- Cho bã dứa vào túi nylon, mỗi lớp thức ăn dày 15-20cm rắc muối ăn một lần.
- Muối ăn bổ sung 0,5 - 1,0 %.
- Sau vài lớp bã dứa lại nén một lần (dùng chày gỗ hoặc dẫm chân).
- Khi túi đầy rắc một lần muối ăn lên trên cùng.
- Dùng dây buộc chặt miệng túi, rồi buộc cả miệng bao tải.
- Các túi được xếp chồng lên nhau ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời.
Nếu túi nylon không bị rách, thùng thì bã dứa có thể bảo quản được 4 tháng, chất lượng vẫn tốt./.
BBT