00:00 Số lượt truy cập: 3040670

Gia Lai: Đặt mục tiêu thực hiện giảm nghèo bền vững 

Được đăng : 14/08/2023
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ thực hiện công tác giảm nghèo thông qua các chương trình, dự án.

gia-lai

 Ảnh minh họa. Nguồn baogialai. 

 

Tỉnh Gia Lai hiện có 1 huyện nghèo, 43 xã đặc biệt khó khăn, 7 xã biên giới, 384 thôn, làng đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi; đồng bào DTTS chiếm hơn 46% dân số. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Gia Lai còn 45.688 hộ nghèo, chiếm 12,09% tổng số hộ dân. Số hộ nghèo đồng bào DTTS 40.475 hộ, chiếm tỷ lệ 25,58% tổng số hộ đồng bào DTTS. Còn 33.866 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,96%. Số hộ cận nghèo đồng bào DTTS là 24.839, chiếm tỷ lệ 15,70% tổng số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ thực hiện công tác giảm nghèo thông qua các chương trình, dự án. Theo đó, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và ngân sách của địa phương, các địa phương trong tỉnh đã ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS; nhất là các xã, thôn, làng khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Về chính sách tín dụng cho người nghèo, tính đến hết năm 2022, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai đã giải quyết cho 8.929 lượt hộ nghèo, 7.277 lượt hộ cận nghèo, 2.490 hộ mới thoát nghèo và 12.400 lượt hộ vay vốn của Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 9.381 lượt hộ vay vốn giải quyết việc làm; 5.341 lượt hộ vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn... với tổng dư nợ trên 5.494,4 tỷ đồng.

Nhờ tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, đã có nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như gia đình anh Rơmah Bya (tổ 6, thị trấn Chư Prông), năm 2008, gia đình anh Bya vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua 1 con bò sinh sản. Thấy nuôi bò có lãi, anh mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng, rồi tăng lên 50 triệu đồng để chăn nuôi và cải tạo vườn tạp trồng cà phê. “Nhờ có nguồn vốn chính sách mà mình đã chính thức thoát nghèo”- anh Bya chia sẻ.

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Sở Lao động,Thương binh và Xã hội đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững, hội nhập. Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,1%, mức giảm là 2%, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 3%.

Kế hoạch cũng đặt ra một số kết quả và chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được, chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đến năm 2025. Trong đó, phấn đấu giảm trên 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 5 mô hình, dự án giảm nghèo phù hợp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.

Theo bà Rcom Sa Duyên - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư về nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh, thông tin truyền thông cho các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới để tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội cơ bản, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân thiếu hụt các chỉ số đo lường giảm nghèo đa chiều chưa được tiếp cận.

Hữu Bắc