00:00 Số lượt truy cập: 2986335

Gia tăng lợi nhuận từ mô hình lúa – vịt – cá 

Được đăng : 04/06/2024

 Nhờ trồng lúa kết hợp nuôi cá, vịt, gia đình ông Vương có thu nhập cao hơn 3-4 lần.

Trước xu hướng tiêu dùng gạo chất lượng cao trên thị trường, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa truyền thống sang mô hình sản xuất lúa hữu cơ, không chỉ nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chí phí mà còn giảm ảnh hưởng đến đất đai, phục hồi độ màu mỡ của đất. So với phương pháp canh tác độc canh cây lúa, mô hình nuôi xen lúa hữu cơ kết hợp với vịt, cá đã giúp ông Nguyễn Văn Vương ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nâng cao thu nhập gấp ba lần, vừa an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường.

Hiện nay, để hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, việc thâm canh trồng xen, nuôi xen hợp lý nhằm tăng thu nhập trên một diện tích đất là rất cần thiết. Hầu hết bà con nông dân chỉ sản xuất độc canh cây lúa, chưa áp dụng nuôi xen vịt, cá trên cùng một đồng ruộng. Việc chăn thả vịt trên đồng chủ yếu vào thời gian sau khi đã thu hoạch lúa để tận dụng lượng lúa rơi vãi và cua, ốc. Việc chăn thả như thế tốn nhiều công quản lý, chăm sóc và chỉ tận dụng được trong giai đoạn ngắn và dễ phát sinh dịch bệnh.

Vốn đam mê và gắn bó với ruộng đồng từ bé, vợ chồng ông Vương đã bôn ba, nuôi vịt chạy đồng khắp các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, việc nuôi vịt càng lúc càng khó, vốn thâm hụt, nợ ngày một nhiều. Vợ chồng ông đã quyết định trở về bám ruộng, làm lúa hai vụ trên diện tích 3ha kết hợp thả dớn vào mùa nước lũ. Thu nhập vừa thấp, vừa bấp bênh, khó khăn chật vật xoay xở 7 miệng ăn. Những năm gần đây lũ ít, nguồn thu gia đình đông con gần như cạn kiệt.

Sau khi được hỗ trợ từ dự án tăng khả năng sinh kế bền vững cho nông dân do Ngân hàng Thế giới tài trợ, dựa trên kinh nghiệm nuôi vịt chạy đồng, ông đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình hai vụ lúa kết hợp nuôi cá, vịt, ông cũng đã thuê thêm 7 ha đất liền kề để mở rộng diện tích.

Theo kinh nghiệm của ông Vương, việc sạ lúa dày nhìn rất đẹp mắt nhưng tốn phân bón và dễ nhiễm sâu bệnh vì lá ủ nhiều. Khi gieo thưa, ông thuận lợi nuôi thêm cá, vịt, chúng dễ di chuyển giữa các hàng lúa, ăn sâu rầy, ốc... Do vịt, cá thường xuyên chăn thả trên ruộng lúa nên có thể tận dụng nguồn phân thải từ cá, vịt làm phân hữu cơ, bồi đắp dinh dưỡng cho đất, tiết kiệm thêm 50% lượng phân bón. Đồng thời, vịt còn ăn các loại côn trùng và sâu rầy hại lúa nên hạn chế tối đa thuốc trừ sâu góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo phục vụ tiêu dùng ngày càng cao trong nước và xuất khẩu.

Vịt là loại thủy cầm có tập tính bơi lội dưới nước và tìm kiếm thức ăn là các loại động vật phù du, tôm, tép, cua, ốc và các loại côn trùng nên vịt di chuyển thường xuyên trên đồng ruộng, Vịt, cá thường xuyên sục sạo gốc làm rễ cây thoáng khí, dễ hấp thu dinh dưỡng, lúa phát triển tốt, bông nhiều, chắc hạt trong khi chi phí sản xuất thấp. Vịt có thói quen ăn xong là bơi lội, tìm kiếm thức ăn và uống nước luôn ở nơi tắm và bơi lội vì thế môi trường nước chăn thả vịt trên đồng ruộng phải sạch sẽ, không nhiễm bệnh đặc biệt là không ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu.

Theo tính toán của ông Vương, sau khi trừ đi chi phí ông lãi hai triệu đồng vụ Đông Xuân, gần một triệu đồng vụ Hè Thu, tăng 40% so với trước. Ngoài nguồn thu từ lúa, cứ 6 tháng ông xuất bán cá, vịt. Với diện tích 10 ha, ông thả 1.500 con vịt. Vịt lúc nhỏ ăn sâu rầy, khi lớn ăn lúa rơi trên đồng sau thu hoạch, chỉ tốn một lượng nhỏ thức ăn viên. Vịt thả rông nên chất lượng thơm ngon, hạn chế mỡ nên giá 30-50 nghìn đồng một kg, cao giá hơn vịt công nghiệp, sau 2,5 tháng nuôi lãi 20 triệu đồng.

 Riêng nuôi cá, ông chọn các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá lóc, cá sặc rằng, cá trê.  Đến mùa nước, ông Vương để đất trống để thu hút cá đồng vào, kết hợp trồng thêm điên điển, bông súng bán để có thêm thu nhập trong mùa nước. Lũ càng lớn cá vào càng nhiều, thức ăn tự nhiên trên đồng dồi dào nên cá lớn nhanh. Khi chuẩn bị xuống giống lúa, ông trữ cá trong hai ao sau nhà diện tích khoảng một ha, bắt đầu bán dần cá có kích cỡ lớn. Số cá nhỏ ông tiếp tục cho ra đồng ăn sâu rầy vụ lúa tiếp theo và bán dần sau đó. Nhờ ưu thế có đầu ra mỗi ngày, giá bán cao và ổn định, ông thu nhập từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng một ngày. Theo tính toán của ông Vương, mô hình trồng lúa 2 vụ - thủy sản (nuôi cá đồng)- chăn nuôi vịt mang lại tổng thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Trước đây, nguồn thu chủ yếu là lúa thương phẩm còn hiện tại nguồn thu mang lại trên cánh đồng này lên đến ba loại là lúa, cá, vịt. Điểm nhấn của mô hình là tận dụng đặc điểm sinh trưởng của mỗi loại để hỗ trợ cho sự phát triển của nhau.

Ngoài hiệu quả thấy rõ từ nguồn thu nhập đến từ lúa, cá và vịt, mô hình sinh kết hợp trồng lúa, nuôi cá và vịt còn giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất ở các vụ sau, do đất được bồi đắp phù sa, các loại sinh vật gây hại cũng được vịt, cá ăn nên chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng sẽ giảm xuống lúa, chất lượng lúa gạo làm ra sạch hơn, an toàn hơn. Việc canh tác nuôi xen, trồng xem theo hướng hướng an toàn, bền vững nhằm tăng thu nhập trên diện tích canh tác đã được nhiều địa phương khuyến khích và nhân rộng.


 

Chung Anh