1. Giải pháp xây dựng ao nuôi
Thành phần và cấu trúc ao nuôi
Ao nuôi giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm môi trường tốt cho con tôm phát triển an toàn. Đối với ao nuôi tôm thâm canh nhất thiết phải kèm ao trữ nước sạch (ao cấp), ao trữ nước thải, xử lý trước khi thải (ao thải) ra ngoài gọi là ao nuôi 3 thành phần.
Ao nuôi có diện tích chiếm 50-60% tổng diện tích của 3 thành phần. Ao cấp có diện tích chiếm 20-30% tổng diện tích, có nhiệm vụ lắng lọc, xử lý chất lượng nước cấp cho ao nuôi. Ao thải có diện tích chiếm 15-20% tổng diện tích, có nhiệm vụ lắng bùn, thuỷ phân xử lý nước thải.
Giải pháp này làm giảm diện tích ao nuôi. Tuy nhiên được đảm bảo an toàn về chất lượng nước cấp, năng suất nuôi và mức đảm bảo thành công tăng lên nhiều, cho sản lượng thu hoạch sẽ không hề thua kém so với ao nuôi không có khu trữ nước cấp và xử lý nước thải. Quy mô các loại ao trên 1 ao nuôi của hộ nuôi tôm cũng được tính toán 1 cách hợp lý.
Lựa chọn kích thước, kiểu dạng ao nuôi
Kích thước ao nuôi (ao thả tôm) ở hầu hết ao nuôi của vùng nuôi tôm thâm canh Duyên hải Nam Trung bộ hiện nay có kích thước không hợp lý, thường là quá rộng, gây khó khăn cho chăm sóc và bảo vệ môi trường ao nuôi.
Kết quả nghiên cứu của các nước nuôi tôm vùng Đông Nam Á cho biết hình dạng ô ruộng nuôi tôm hợp lý nhất là hình tròn hoặc hình vuông. Nếu là hình chữ nhật là tốt nhất. Chiều dài không lớn quá hai lần chiều rộng. Với hình dạng này, ngoài việc chăm sóc hàng ngày thuận lợi thì quan trọng hơn là khi quạt ô xy làm việc, dòng nước chảy vào vòng tròn quanh ô ruộng sẽ gom toàn bộ chất thải rắn từ dưới đáy ao vào giữa đáy ao, giúp cho việc bơm hút lớp bùn lỏng bẩn này ra ngoài rất thuận lợi. Hình dạng này còn thuận lợi hơn khi chúng ta cấu tạo đáy ao nuôi theo dạng nón ngược, chất thải sẽ tập trung vào một khu vực nhỏ ở giữa đáy, dễ dàng để bơm hút sang ao xử lý. Diện tích mỗi ao tốt nhất là nên từ 2000-3000m2.
2. Giải pháp thu gom, chuyển chất thải sang ao xử lý
Bố trí máy bơm hút chất thải đáy ao theo dạng xi phông.
Máy bơm đặt cố định trên bờ ao nuôi, sử dụng ống hút mềm nối với đầu hút có lưới để ngăn tôm lọt vào ống hút. Đầu hút đặt trên phao di động rà khắp đáy ao, chủ yếu là khu giữa ao để hút chất thải rắn và nước bẩn đưa sang khu xử lý. Hệ thống ống mềm có thể được gác trên hệ thống phao di động theo đầu hút, có thể rà khắp đáy ao nếu thấy cần thiết. Nên vận hành mỗi ngày một lần, đảm bảo cho ao nuôi luôn sạch các chất thải hữu cơ như phân tôm, vỏ tôm và thức ăn thừa, bảo vệ an toàn chất lượng nước ao nuôi. Tôm bị bệnh chết do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là ao nuôi ô nhiễm hữu cơ, khiến nước bẩn đục, chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, tiêu thụ nhiều ô xy, dẫn đến nước ao nuôi thiếu ô xy làm tôm yếu dần, dễ bị vi khuẩn tấn công gây bệnh chết. Bệnh phổ biến hiện nay là teo gan, tụy, đã được các nhà khoa học Mỹ xác định là do nước bị ô nhiễm hữu cơ nặng gây ra.
Do vậy, việc thu gom, đưa ra ngoài toàn bộ chất hữu cơ thối rữa (phân tôm, vỏ tôm, thức ăn thừa…) trong ao nuôi là việc làm có ý nghĩa kinh kế, kỹ thuật cao. Ao nuôi sạch là một đảm bảo quan trọng cho người nuôi tôm đạt tới trên 90% thắng lợi.
Bố trí ống ngầm đưa chất thải rắn, lỏng từ ao nuôi ra ao xử lý.
Nguyên lý hoạt động cũng giống như giải pháp nêu trên, nhưng đơn giản hóa được việc hút chát thải ở đáy ao đưa ra ao xử lý.
Từ điểm sâu nhất của đáy ao (là chóp của hình nón ngược chính giữa ao) đặt một ống nhựa có đường kính từ 100 đến 150 mm chạy ngầm nối với máy bơm ở ngoài và thông sang ao xử lý. Tại điểm sâu nhất của đáy ao tạo bể hút có đường kính 0,5-1,0m; sâu 0,5*0,7m. Trên miệng bể để một tấm lưới ngăn tôm.
Nhờ hoạt động của máy quạt khí, chất thải rắn được dòng nước chảy quanh ao gom lại giữa đáy ao và lọt xuống bể hút. Máy bơm sẽ hút hết số chất thải này đưa sang ao xử lý. Cấu trúc vận hành đơn giản, nhưng có nhược điểm là không di chuyển được trên đáy ao. Tuy nhiên nếu cấu trúc ô ruộng là hình vuông, tròn thì thiết bị này có lợi thế, vì chất thải rắn sẽ được gom rất gọn vào bể hút để dễ dàng hút ra ngoài.
Khi vận hành cần chú ý sau mỗi lần quạt gió, chất thải rắn được dòng chảy thu gom lại tâm đáy ao, lúc này khởi động máy bơm hút chất thải ra ngoài. Cùng lúc nên kết hợp bổ sung nước sạch có độ mặn phù hợp cho ao nuôi như là một lần thay nước.
3. Giải pháp khai thác nguồn nước hợp lý
Vùng ven biển Duyên hải Nam Trung bộ thường có nguồn nước biển với độ mặn cao, trong nhiều trường hợp vượt quá ngưỡng độ mặn tối ưu cho tôm phát triển. Giải pháp khai thác nguồn nước ngầm được đề xuất tại vị trí nằm giữa biển và chân các vùng cồn cát. Đây là khu vực thường có nguồn nước ngầm có độ mặn phù hợp với con tôm do có sự hòa lẫn nhau giữa nguồn ngọt trong đồi cát và nước mặn của biển. Để an toàn khi khai thác cần kiểm tra độ mặn trước khi cho vào ao nuôi./.
BBT