Do đặc thù ngành nghề của các làng nghề, chất thải từ quá trình sản xuất có thể được xử lý theo các công nghệ khác nhau, phục vụ những mục đích tận dụng khác nhau:
- Bã thải sắn từ quá trình sản xuất tinh bột, chất thải rắn từ nấu rượu, làm đậu, làm tương, nước mắm... là những nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm. Vì vậy, các làng nghề này có thêm nghề chăn nuôi để tận dụng nguồn bã thải đó;
- Bã dong chứa hàm lượng chất xơ cao một phần được phơi khô làm chất đốt;
⁃ Một phần xỉ than được dùng làm vật liệu xây dựng, san lấp, đóng gạch bi.
2. Đối với chất thải rắn làng nghề dệt nhuộm
Do đặc trưng chất thải rắn từ làng nghề dệt nhuộm là các chất khô, nhẹ và dễ cháy, nên giải pháp tối ưu được áp dụng là sử dùng lò đốt công nghiệp với các quy mô phù hợp để đốt. Ngoài ra giải pháp truyền thống đối với chất thải rắn loại này là chôn lấp tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh.
3. Đối với các làng nghề tái chế giấy
Với đặc trưng của làng nghề tái chế giấy, rác thải chứa đinh ghim, đầu gáy chứa keo, băng dính, nilon, bóng kính,... là những chất không thu hồi cho các mục đích tái chế được, có khả năng cháy nên giải pháp phù hợp để xử lý là sử dụng lò đốt công nghiệp. Đối với các chất thải rắn là vỏ bao bì, đồ hộp đựng hoá chất, giẻ lau dính dầu mỡ là loại chất thải nguy hại cần được thu gom và xử lý bằng các lò đốt chuyện dụng cho chất thải nguy hại.
Sử dụng lò đốt giúp giảm diện tích của việc chôn lấp, xử lý triệt để khối lượng lớn rác thải đồng thời có thể tận thu năng lượng nhiệt thừa từ lò đốt sử dụng trong lò hơi của quá trình seo giấy.
Chất thải xỉ than có thể thu gom và tận dụng trong việc san lấp mặt bằng, tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, như gạch không nung, gạch xỉ lát nền, vỉa hè.
4. Đối với các làng nghề tái chế nhựa
Đề xuất giải pháp xử lý chất thải rắn tại làng nghề tái chế nhựa theo hướng tạo ra các sản phẩm thứ cấp, các vật liệu mới từ các hỗn hợp nhựa thải kém chất lượng. Việc tái sinh chất thải nhựa theo phương pháp mới này cho phép phối trộn thêm các phụ gia khác như: cao su, mùn cưa, giấy... Các vật liệu mới này có thể được ép hoặc đúc gia công thành các sản phẩm tái sinh.
5. Đối với các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng
Đối với làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, chất thải rắn trong quá trình sản xuất với thành phần chính là xỉ than, xỉ đá vôi, phế phẩm,... có thể tận dụng để có thể tái sinh làm các loại vật liệu xây dựng thứ cấp, sử dụng cho các công trình công cộng như lát đường, đóng gạch, chèn lò và san nền... phần chất thải rắn còn lại thải ra môi trường cần được quản lý qua các bãi đổ thải có quy hoạch./.
BBT