00:00 Số lượt truy cập: 3040467

Giám đốc hợp tác xã người dân tộc dao đi đầu trong phong trào trồng cây dược liệu 

Được đăng : 04/09/2023

a

Anh Triệu Quay Phúc chăm sóc vườn quế ở thôn Tầu Tiên, xã Đồn Đạc.

 

Đến thăm mô hình trang trại trồng rừng của anh Triệu Quay Phúc, ở thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp bạt ngàn của rừng cây bát ngát, xen vào đó là ngôi nhà khang trang rộng lớn và những, vườn ươm cây giống uốn lượn xanh tươi, đón chúng tôi từ ngoài cổng, bằng ánh mắt, nụ cười và cái bắt tay nồng ấm, thân thiện của người miền núi. Anh dẫn chúng tôi vào nhà, pha trà mờ khách, khi được chúng tôi hỏi anh về cách làm giàu từ mô hình trang trại của anh, anh tươi cười, vừa mời chúng tôi uống nước vừa bộc bạch chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở xã nghèo huyện vùng núi huyện Ba Chẽ, giống như bao gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Đồn Đạc này, cuộc sống của tôi gắn bó với rừng từ tuổi còn thơ như bao người khác. Thôn Tàu Tiên có gần 120 hộ dân, phần lớn là người Dao Thanh Phán, bà con ở đây phát triển kinh tế rừng là chủ yếu, nơi đây vẫn chưa thực sự chủ động chuyển đổi và phát triển các mô hình trang trại áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, chính vì lẽ đó mà bà con nông dân của thôn vẫn chưa thoát được cảnh nghèo khó. Nhận thức được điều này, Tôi suy nghĩ, trăn trở từng đêm tìm cách vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương của mình. Từ suy nghĩ đến hành động, tôi quyết định lựa chọn mô hình phát triển kinh tế trang trại trồng rừng, từ diện tích rừng được giao ban đầu gần chục ha trồng cây keo và các loại cây lấy ngắn nuôi dài để trang trải cuộc sống, sau thời gian 5 đến 7 năm rừng cây được khai thác, tôi dành một số tiền mua cây giống để trồng, số còn lại gia đình tôi tiếp tục mua thêm diện tích đất để tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh...

Là người ham học hỏi, anh Triệu Quay Phúc đã tìm hiểu cách làm hay của các mô hình trang trại phù hợp qua sách, báo, trên mạng, trên tivi, thấy nhiều nơi, nhiều người có thể làm giàu từ phát triển kinh tế rừng, cùng với đó, anh tích cực tham gia những lớ tập huấn do các cấp Hội Nông dân phối hợp tổ chức anh đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiêm, kiến thức bổ ích cho hành trang lập nghiệp của mình để lựa chọn mô hình hiệu quả. Từ thực tế của bản thân và bà con mình trong thôn, xã chỉ quen trồng cây keo, 5 đến 6 năm thu hoạch bán cho các doanh nghiệp làm dăm gỗ, với giá rẻ, nhiều khi trừ tiền giống, phân bón, công chăm sóc, công khai thác số tiền còn lại chẳng được bao nhiêu.

Với vốn kiến thức đã học và tích luỹ, anh nhận thấy giá trị của cây quế cao hơn hẳn so với cây keo, anh bắt đầu chuyển 5ha rừng trồng cây keo sang trồng bằng cây quế, loại cây này phát triển trong rừng tự nhiên Tàu Tiên, rất hợp đất rừng trồng. Quá trình phát triển của cây khoảng 10 năm, khi trưởng thành có thể tận thu từ thân, vỏ, lá, rễ để lấy gỗ nguyên liệu và chế biến lâm sản thô, chế biến tinh chất dầu quế. Sản phẩm thu hoạch của cây quế rất được ưa chuộng, thương lái đến tận rừng thu mua, vận chuyển. Giá trị mỗi ha quế trưởng thành gấp vài lần cây keo, khoảng hơn 200 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, do thời gian trồng cây quế phải mất hơn 10 năm mới cho khai thác, nên bà con trong thôn, xã không mặn mà lắm, bởi nhiều người dân muốn nhanh được thu hoạch để trang trải cuộc sống gia đình. Vì vậy, để bà con thấy cái lợi của trồng quế, anh Phúc phải mất nhiều thời gian tuyên truyền, vận động bà con rằng trồng quế mất nhiều năm hơn nhưng chỉ phải đầu tư cây giống, công trồng, công thu hoạch một lần, cây sống khỏe chẳng phải lo gãy đổ do gió bão.

Từ những quyết đinh đi tiên phong của mình, anh trồng 1 ha cây giổi, 2,5 ha quế, 17 ha keo đang chuẩn bị cho khai thác, bình quân mỗi năm lợi nhuận thu về trên 1,4 tỷ.., qua vận động, khích lệ, kết nối người dân cùng chung sức thực hiện. Người dân thôn Tàu Tiên vốn thạo nghề rừng, hiểu cây rừng nên bà con đã dần dần phối hợp với anh để phát triển rừng gỗ lớn. Để bà con thấy cái hay, cái lợi của trồng quế, anh phải mất nhiều thời gian tuyên truyền, vận động để bà con hiểu về lợi ích của rừng gỗ lớn. Cây quế to, lại có khả năng giữ nước, chống xói mòn tốt, rất thích hợp với huyện vùng cao như Ba Chẽ thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt, sạt lở đất. Trong thời gian chờ thu hoạch, trên diện tích trồng quế, bà con có thể trồng xen cây dược liệu như ba kích tím và các loại dược liệu khác có sẵn ở địa phương. Nhờ vậy, những cánh rừng quế ở Tàu Tiên ngày càng được nhân rộng, tạo vùng nguyên liệu quế tập trung. Có được vùng nguyên liệu quế lớn, lợi thì đã thấy, nhưng thu lợi ra sao, bởi bà con xã Đồn Đạc đa phần là người dân tộc thiểu số, không phải ai cũng có mối quan hệ rộng, ai cũng giỏi tính toán buôn bán, làm ra sản phẩm rồi bán như thế nào, ai đứng ra thu mua?. Những câu hỏi đó khiến anh càng thêm suy nghĩ và đi đến quyết định là mình đứng ra đại diện cho bà con cùng sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Năm 2020, anh đã cùng một số người đứng ra thành lập HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ, gồm 11 thành viên do anh làm Giám đốc. HTX đã liên kết, bao tiêu sản phẩm cho 90 hộ dân trong xã với gần 180ha quế, nhiều khu rừng đã đến kỳ thu hoạch do bà con trồng từ trước đó. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã thu mua cho bà con 400 tấn vỏ quế. Anh Phúc cùng các thành viên trong HTX lại ươm luôn cây giống cung cấp cho bà con, giúp cho việc sản xuất thuận tiện, tiết kiệm chi phí đi lại như trước kia phải ra tận huyện Tiên Yên mua quế giống.

Từ sự liên kết của HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ, người dân xã Đồn Đạc đã thêm vững tâm hơn với trồng rừng làm giàu trên chính quê hương mình. Dự kiến trong năm 2023, bà con sẽ chuyển đổi hơn 400ha rừng keo sang trồng quế và HTX của anh cũng ươm mới được hơn 4ha cây giống để cung cấp cho bà con nông dân ở địa phương.

Anh Triệu A Năm, ở thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc, là một trong những hộ dân liên kết với HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ, chia sẻ: từ khi liên kết làm ăn với HTX, gia đình tôi có việc làm và thu nhập ổn định. Trước đây, gia đình tôi cùng nhiều hộ trong thôn trồng keo đến khi thu hoạch trừ nhiều loại chi phí từ cây giống, phân bón, công khai thác, thu nhập khoảng 70 triệu/1ha. Cây quế dễ trồng, lớn nhanh, chịu được gió bão hơn cây keo, giá trị kinh tế lớn hơn gấp 3 lần cây keo, nhờ vậy, giúp cho đời sống bà con được cải thiện, vươn lên thoát nghèo.

Đồng chí Khúc Thanh Nghị, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Chẽ cho biết: mô hình HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ đã liên kết với bà con nông dân xã Đồn Đạc, cũng như các địa phương lân cận vững tâm hơn với mô hình trồng rừng gỗ lớn, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình. Đây cũng là động lực để bà con sớm chuyển đổi hàng trăm ha trồng keo sang trồng quế, phù hợp với chủ trương của huyện đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, sản xuất tập trung, phát triển cây dược liệu và trồng cây gỗ lớn.

Không những là hội viên nông dân điển hình tiên tiến mà anh còn là một giám đốc hợp tác xã nông nghiệp dám nghĩ, dám làm, giám chịu trách nhiệm, cùng chung tay với bà con nông dân trong sản xuất kinh doanh, mà anh còn hoạt động rất năng nổ trong phong trào xây dựng nông thôn mới đóng góp địa phương hàng chục triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 25 người dân trong thôn Tầu Tiên có việc làm ổn định, thu nhập bình quân từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Với tinh thần tương thân, tương ái, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp nhau sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong thôn, xã, tích cực giúp đỡ nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Anh đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương trong những năm qua. Nhưng niềm vui lớn nhất trong anh có lẽ là từ mô hình sản xuất, kinh doanh của mình, anh đã trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân, dẫn dắt các hộ nghèo, cận nghèo tại thôn bản vùng cao này từng bước thay đổi tập quán, tư duy trồng trọt lạc hậu, kém hiệu quả sang phương thức trồng trọt tiến bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

                                                                                                             Nhật Anh