00:00 Số lượt truy cập: 2940887

Giảm nghèo bền vững từ đào tạo nghề cho lao động địa phương 

Được đăng : 14/07/2023
Giáo dục nghề nghiệp thời gian qua đã giúp giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi của nước ta.

day-nghe

Hướng dẫn người dân bản Tà Han, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn, Bắc Kạn) trồng ngô năng suất cao. Ảnh: Trần Hải

 

Trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, từ xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hay chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nội dung về đào tạo và tạo việc làm cho các đối tượng mục tiêu luôn là một trong các chỉ tiêu quan trọng. Điều này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia; đồng thời, cùng với nâng cao kỹ năng, năng lực cạnh tranh sẽ góp phần vào việc giải quyết các vấn đề của các vùng, các địa phương và các đối tượng ưu tiên. Đối với người nghèo, nếu có chính sách tốt, hỗ trợ họ từ tư vấn hướng nghiệp, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm sẽ góp phần vào việc giảm nghèo bền vững. 

Học nghề để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm, con số về đào tạo nghề, tạo việc làm góp phần vào giảm nghèo bền vững, giảm nguy cơ tái nghèo tại các nước và Việt Nam, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong các chương trình Mục tiêu quốc gia của các giai đoạn trước cũng có những nội dung liên quan đến đào tạo nghề. Trong Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn cũng xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo là một trong những chỉ tiêu quan trọng. Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, trong giai đoạn từ 2010 – 2020, thực hiện Đề án này, đã có gần 20% người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề và có việc làm. Trong đó có trên 10% trong tổng số hộ nghèo khi được đào tạo nghề có việc làm, có thu nhập ổn định và giảm nghèo một cách bền vững.

“Khảo sát ở các vùng nông thôn, các huyện nghèo cho thấy đã có rất nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, vừa là việc làm tại chỗ, vừa là việc làm chuyển dịch cho người lao động thành công. Điển hình ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng… vừa đào tạo nghề vừa phát huy thế mạnh về sản xuất của địa phương gắn với các sản phẩm như mô hình trồng na ở Lạng Sơn. Người nghèo ở Lạng Sơn trước đây chưa biết ứng dụng khoa học công nghệ hay áp dụng kiến thức vào trong sản xuất hay tính toán, tuy nhiên, khi được đào tạo nghề, họ biết áp dụng, cách đưa sản phẩm ra thị trường. Hay tại Cao Bằng có những vùng nguyên liệu rất tốt, nhưng trước đây người nông dân chủ yếu sản xuất, canh tác theo hướng truyền thống. Khi đưa đào tạo nghề vào, chúng tôi đã phải làm rất lâu, từ thay đổi nhận thức, cách làm, rồi phải xây dựng mô hình, vận động cán bộ, người có uy tín ở cộng đồng làm trước, sau đó cộng đồng thấy hiệu quả mới làm theo. Sau 2 – 3 năm xây dựng những mô hình, dần dần người dân địa phương bắt đầu nhận ra hiệu quả trong việc thay đổi cách thức sản xuất”- ông Đào Trọng Độ dẫn chứng.

Tạo động lực cho người nghèo vươn lên

Trong các chương tình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của giai đoạn trước, đào tạo nghề, việc làm chỉ được đề cập ở một khía cạnh. Nhưng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là dự án số 4 và có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, mục tiêu của chương trình là phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối tượng là người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan…

Đây là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững, tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Đó chính là cái căn cơ để giải quyết các vấn đề khác như thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...

Nếu chỉ tác động vào vấn đề hỗ trợ cho theo kiểu cho con cá hay cần câu, mà không giải quyết việc làm bền vững cho người dân, hay nói cách khác, nếu người dân có cần câu mà không có động lực đi câu cũng không giải quyết được vấn đề. Do đó, việc đào tạo nâng cao kỹ năng, nhận thức là một trong những vấn đề được đề cập sâu cho giai đoạn tiếp theo. Theo đó cần có các chỉ tiêu cụ thể, vừa tạo việc làm tại chỗ, vừa hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, có những chỉ tiêu về người lao động được hỗ trợ đào tạo, cũng như hỗ trợ đào tạo kỹ năng, hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ để người lao động có thể tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nếu có nhu cầu.

Vấn đề nữa cũng quan trọng, đó là trước đây với đối tượng nghèo ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chúng ta chỉ hướng đến đào tạo cho họ kỹ năng cơ bản, tức là đào tạo trình độ sơ cấp hay đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng, thì chương trình lần này đã thiết kế thêm về hỗ trợ đào tạo trình độ cao, như đào tạo trung cấp, cao đẳng để người dân có được kỹ năng cao, có năng suất, việc làm tốt hơn. Như vậy, điểm mới là đầu tư nguồn ngân sách của nhà nước là có trọng điểm, có đối tượng đích rất rõ rệt và tạo ra động lực phát triển cho các địa phương, bản thân người lao động và người nghèo.

Ông Đào Trọng Độ chia sẻ thêm, trong lĩnh vực đào tạo nghề, các vùng nghèo có những hạn chế nhất định. Đó là ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp hơn, ít được quan tâm hơn, khó thu hút người giỏi về dạy, cơ sở vật chất lạc hậu hơn, đi lại khó khăn hơn. Vì vậy, muốn người nghèo, người thu nhập thấp ở vùng khó khăn được tiếp cận với chiều thiếu hụt này, Nhà nước phải có chính sách đầu tư trọng tâm vào vùng đó để thúc đẩy đào tạo, đào tạo kỹ năng, thúc đẩy khả năng, điều kiện tiếp cận tốt hơn cho người lao động ở những vùng đó. Phải đưa các chương trình đầu tư tốt hơn về những vùng đó, để người nghèo và các đối tượng yếu thế dễ tiếp cận nhất, nhằm nâng cao điều kiện và chất lượng nhân lực của các vùng này. Đồng thời, tạo ra cú huých, vừa nâng cao chất lượng nhân lực, vừa giúp giải quyết các vấn đề khác; tạo đà để triển khai những chương trình giảm nghèo đến các vùng, các địa phương nhanh nhất.

Nguyễn Thìn