Cây đậu xanh được nhiều xã ở huyện Đakrông lựa chọn để trồng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả
Với địa hình chủ yếu là đồi núi, huyện Đakrông có thế mạnh về phát triển lâm nghiệp. Theo đó, huyện đã chủ động tập trung hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng các mô hình kinh tế từ rừng để giảm nghèo bền vững. Theo Phòng Kinh tế huyện Đakrông, giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, huyện đã giao trên 4.000 ha rừng tự nhiên cho gần 2.000 hộ quản lý, đồng thời giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, hộ, cá nhân bảo vệ và hưởng lợi, qua đó thu hút trên 193.000 lượt người tham gia.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đakrông tiếp tục đặt mục tiêu giao rừng tự nhiên cho các hộ, cộng đồng dân cư 300 ha/năm, giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, hộ và cá nhân bảo vệ, mang lại lợi ích cho trên 15.000 lượt người/năm.
Thời gian tới, địa phương tập trung xây dựng đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững. Cụ thể là xây dựng các mô hình thâm canh rừng sản xuất gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ; đẩy mạnh giao đất, giao rừng để đảm bảo rừng có chủ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng.
Đáng chú ý, trong quá trình khai thác thế mạnh, xóa đói giảm nghèo tại địa phương, các HTX trên địa bàn huyện đang thể hiện dấu ấn đậm nét, phát huy vai trò cầu nối liên kết người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, giảm tự cung tư cấp.
Điển hình có thể kể đến HTX Vanpa được thành lập từ năm 2017, tại xã Ba Lòng, xuất phát điểm với 24 thành viên trong đó có 20 thành viên là người dân tộc Vân Kiều. Đây là mô hình HTX kiểu mới hướng vào sản xuất kinh doanh cây dược liệu có giá trị cao, phục vụ thị trường nông sản, dược liệu trong và ngoài nước.
Ông Đoàn Văn Linh, đại diện HTX, cho hay việc tham gia vào HTX đã và đang giúp các thành viên, hộ liên kết tại địa phương thoát ra khỏi hình thức sản xuất nhỏ lẻ để chuyển sang hình thức hợp tác, phân công lao động, sản xuất với quy mô lớn.
Hiện, mô hình trồng sả của HTX được sản xuất theo hướng liên kết giữa người dân địa phương với HTX, trong đó các thành viên có trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch sả. HTX điều hành các khâu cung cấp giống, làm đất, phân bón vi sinh và bao tiêu sản phẩm.
Lá sả tươi sau khi thu hoạch, sơ chế sẽ được HTX thu mua 1.000 đồng/kg, bình quân 1 ha mỗi năm thu hoạch lá từ 4 - 5 lượt, với sản lượng 40 - 50 tấn lá sả cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha mỗi năm.
Thành công từ mô hình sản xuất cây sả, HTX Vanpa đã mở rộng sang trồng các loại cây gừng, nghệ, tràm, hương nhu. Để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho cơ sở chế biến tinh dầu, HTX đang liên kết, tạo việc làm thu nhập ổn định cho gần 100 hộ nông dân, chủ yếu là người dân đồng bào Vân Kiều, Pa Cô.
Các hộ liên kết được HTX hỗ trợ từ sản xuất đến tiêu thụ để trồng 4 loại cây chính là sả, hương nhu, gừng và nghệ, với tổng diện tích là 35 ha ở 2 huyện miền núi là Hướng Hóa và Đakrông.
Cùng với HTX Vanpa, HTX dịch vụ nông nghiệp Triệu Nguyên cũng đang là điểm sáng trong xóa đói, giảm nghèo ở Đakrông. So với các HTX nông nghiệp khác, đến nay, hệ thống máy móc của HTX đã được đầu tư để phục vụ cho sản xuất như: hệ thống xay xát gạo khép kín, máy hút chân không...
Anh Hồ Văn Sỹ, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Triệu Nguyên, người trực tiếp tham gia mô hình sản xuất gạo sạch của HTX cho biết: “Từ khi HTX được quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống xay xát gạo, hút chân không đóng gói bao bì thành phẩm đã giải quyết được vấn đề tiêu thụ lúa gạo cho thành viên HTX. Sau khi thu mua lúa của thành viên HTX, chúng tôi tiến hành xay xát, đóng gói thành bao bì sản phẩm cung ứng cho thị trường, được người tiêu dùng rất ưa chuộng vì tiện lợi, chất lượng”.
Đáng nói, HTX còn bao tiêu đầu ra sản phẩm cho một số mô hình kinh tế trên địa bàn huyện như: mô hình vườn, ao, chuồng, rừng; mô hình sâm; mô hình chuyển đổi đất trồng lạc sang trồng dưa hấu mỹ nhân vỏ mỏng, trồng đậu đen xanh lòng…
Có thể khẳng định, thời gian qua, nhờ việc thành lập các tổ hợp tác, HTX đã khơi dậy được tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp nhau làm giàu, đặc biệt việc giảm nghèo đã phát huy hiệu quả. Nhiều tổ hợp tác đã tích cực giúp nông dân nghèo bằng nhiều cách khác nhau như: khoa học kỹ thuật, cây con giống, ngày công lao động hay giải quyết việc làm...
Theo thống kê, toàn huyện Đakrông đang có gần 20 mô hình HTX, tổ hợp tác, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX, tổ hợp tác còn hạn chế, cần thêm động lực để phát huy hết vai trò.
Thời gian tới, huyện cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực hơn để thúc đẩy các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô và có sức lan tỏa, cần có quy hoạch theo quy mô toàn vùng.
Bên cạnh đó, huyện cần đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng dẫn để các HTX xây dựng được dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực cho HTX, hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào trong sản xuất...
Phương Nam