Chị Nguyễn Thị Thy xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ thường xuyên đi làm ăn xa nhà, thu nhập không đủ cho sinh hoạt cá nhân, cuộc sống vô cùng khó khăn; nghèo vẫn hoàn nghèo. Năm 2021, chị đã về địa phương làm việc cho hợp tác xã Quốc Anh. Tại đây công việc của chị luôn đều đặn và thu nhập ổn định nên cuộc sống ngày dần khá lên, chị nói: “Tôi đã làm việc ở hợp tác xã Quốc Anh được hơn 2 năm, thu nhập cũng thỏa đáng với công việc mình đang làm. Kinh tế của gia đình tôi đã khá hơn nhiều so với trước kia, nhờ thu nhập đều nên tôi có điều kiện để chăm sóc gia đình tốt hơn”.
Gia đình anh Nguyễn Văn Nguyên là gia đình thuần nông, công việc chủ yếu là làm ruộng nên nguồn thu nhập cũng chỉ đủ ăn qua ngày, cuộc sống vô cùng nghèo nàn, khó khăn. Từ khi được tham gia lao động tại hợp tác xã Quốc Anh với công việc chăm sóc hàng ngàn đôi bồ câu sinh sản thì cuộc sống của gia đình anh đã dần thay đổi, thu nhập ổn định, có của ăn của để; với thu nhập đều đặn 8 triệu đồng/tháng nhờ đó anh có thể lo cho cuộc sống gia đình.
Hợp tác xã Quốc Anh được thành lập từ năm 2017 với sản phẩm chủ đạo là chim bồ câu. Hiện tại, hợp tác xã đang liên kết với 7 hộ gia đình, tạo công ăn, việc làm cho gần 20 lao động. Với nhiều hoạt động liên kết giữa các thành viên, ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất nên thu nhập của xã viên và người lao động ngày càng nâng lên. Với chính quyền thì việc phát triển của hợp tác xã hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người lao động có ý nghĩa quan trọng, ổn định việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và nhờ đó công tác giảm nghèo của địa phương có những kết quả ấn tượng, đáng khích lệ. Ông Phạm Quốc Hương - Giám đốc hợp tác xã Quốc Anh nói: “từ ngày chúng tôi thành lập hợp tác xã thì mức thu nhập của bà con xã viên ổn định từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng, định hướng trong tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa mô hình hợp tác xã để tăng thêm thu nhập cho bà con, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động của xã”.
Trước đây, bà con nông dân ở miền núi chỉ quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu mạnh ai nấy làm, ít quan tâm đến khái niệm liên doanh, liên kết sản xuất để sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa. Với mục tiêu khai thác các nguồn lực, khai thác các thế mạnh sẵn có của mỗi địa phương. Huyện Cẩm Khê đã đẩy mạnh giải pháp nâng cao chất lượng của hợp tác xã, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện.
Theo thống kê của tỉnh Phú Thọ, hiện nay toàn tỉnh có trên 500 hợp tác xã hoạt động, trong đó có trên 70% hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 4,3 triệu đồng/người/tháng. Đáp ứng với xu thế phát triển của kinh tế thị trường, tỉnh Phú Thọ đã triển khai chương trình chuyển đổi nhằm tạo động lực cho hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Việc phát triển các hợp tác xã hiệu quả, bền vững sẽ góp phần nâng cao thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của các thành viên hộ gia đình, từ đó giúp các địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững./.
Phạm Huy Sơn