00:00 Số lượt truy cập: 3040081

Giảm nghèo ở Vô Tranh 

Được đăng : 10/10/2023

vo-tranh

Mô hình nuôi ốc thương phẩm của anh Trịnh Văn Tính ở khu 10, xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ


Là một trong 10 xã tả ngạn sông Hồng của huyện Hạ Hòa, xã Vô Tranh hiện có trên 2.000 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số sinh sống tại 10 khu hành chính. Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo tới bà con nhân dân.

Theo đó, các chương trình hỗ trợ theo nhu cầu của các hộ nghèo đã được thực hiện đồng bộ trên toàn địa bàn như: Hỗ trợ chuyển đổi nghề; vay vốn sản xuất; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao...

Anh Trịnh Văn Tính ở khu 10, phấn khởi chia sẻ: “Trước kia, phần diện tích nông nghiệp của gia đình tôi chủ yếu trồng các loại hoa màu truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2017, được Hội Nông dân xã vận động, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập, tôi đã mạnh dạn vay vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân của huyện đầu tư phát triển mô hình nuôi ốc thương phẩm...”.

Thời gian đầu thử nghiệm mô hình, anh Tính đào hai ao lớn, thả hai vạn ốc giống nuôi lứa đầu tiên. Do thiếu kinh nghiệm, trong quá trình tạo môi trường ao nuôi chưa đạt tiêu chuẩn, ốc bị bệnh, chết nhiều; tỷ lệ ấp nở trứng thấp. Không nản chí, vừa làm, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi trồng, đến nay, anh Tính đã mở rộng diện tích ao nuôi lên 1ha. Mỗi năm anh xuất bán ra thị trường khoảng hai tấn ốc thịt, 200 vạn ốc con và hơn hai tạ trứng, thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/năm.

Cùng với mô hình nuôi ốc, những năm gần đây, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhiều hộ dân trong xã đã phát triển kinh tế đồi rừng, trồng chè, chăn nuôi gia súc, thủy sản theo hướng tổ liên kết, hợp tác xã (HTX) cho thu nhập cao như: Mô hình VAC của ông Nguyễn Văn Điền - khu 10 cho thu nhập trên 200 triệu đồng; HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tổng hợp Vô Tranh, sản xuất ngô sinh khối cho sản lượng 45 - 50 tạ/1ha, doanh thu trung bình năm đạt 800 - 900 triệu đồng/năm...

Nhằm tạo điều kiện cho người dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, các tổ chức đoàn thể xã Vô Tranh đã đứng ra nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT trên 80 tỷ đồng cho trên 750 lượt hộ vay. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân; tích cực tuyên truyền, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động trên địa bàn xã. Đến nay, toàn xã có 265,6ha lúa ngô, cho sản lượng hơn 1.200 tấn/năm; 99ha cây ăn quả, rau đậu và chè cho tổng sản lượng đạt trên 800 tấn/năm; hơn 4.000 con trâu, bò, lợn. Trung bình mỗi năm địa phương phối hợp với các đơn vị tổ chức 2 -3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho bà con nhân dân...

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người tại Vô Tranh đã đạt 39,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) giảm còn 9,2%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 2,64%; toàn xã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới... Từ các chương trình, dự án hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, Vô tranh đã có những bước tiến vững chãi trong công tác giảm nghèo. Đồng chí Vũ Mạnh Cường Phó Chủ tịch UBND xã Vô Tranh cho biết: “Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, để người dân thấy rõ vai trò của mình; phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy ý chí tự lực tự cường để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước và xã hội. Đồng thời xã sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai thêm các giải pháp giảm nghèo bền vững, sử dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ nhân dân phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương ,qua đó phát huy nội lực, từng bước đưa địa phương vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no".

ĐN