00:00 Số lượt truy cập: 3039774

Giảm nghèo ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh 

Được đăng : 22/11/2023

 

Xã Đồn Đạc trước đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ba Chẽ với hơn 72% dân số là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo cao. Nhưng đến nay, Đồn Đạc đã có nhiều đổi thay. Điều dễ nhận thấy là hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã trong khoảng 5 năm trở lại đây. Từ các nguồn lực của trung ương cũng như của tỉnh Quảng Ninh, nhiều công trình thiết yếu của xã Đồn Đạc đã được đầu tư và hoàn thiện, đường giao thông thuận lợi đã góp phần giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ vậy sản phẩm nông sản của bà con làm ra được thương lái đến tận nơi thu mua, giải quyết kịp thời đầu ra. Thu nhập của người dân vì thế được nâng lên, mở ra cơ hội thoát nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ các tuyến đường mới mở ra, bà con đã có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, việc khai thác quế, keo thuận lợi, thương lái đến tận nơi để thu mua, nhờ đó giá thành sản phẩm cũng được nâng lên đáng kể.

Trong việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và giảm nghèo nói riêng, tỉnh Quảng Ninh xác định đầu tư kết cấu hạ tầng là khâu làm trước. Trong những năm qua, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chương trình đặc thù để đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn. Nổi bật phải kể đến Đề án 196, tỉnh đã ưu tiên đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng để hoàn thiện vào xây dựng, kết cấu hạ tầng đường giao thông các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ông Triệu A Lộc – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đồn Đạc nói: “Trước đây, hạ tầng giao thông của xã Đồn Đạc rất khó khăn, tuy nhiên những năm gần đây được cấp trên quan tâm, đầu tư, mở rộng các tuyến đường nên về cơ bản toàn bộ trên địa bàn xã đã có đường giao thông, đảm bảo bê tông hóa, tạo điều kiện cho việc vận chuyển nông sản giúp các hộ gia đình trên địa bàn thoát nghèo”.

Nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Xã Đồn Đạc đã triển khai cho nhân dân tham gia thực hiện các mô hình dự án phát triển hỗ trợ sản xuất. Tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung tạo thành hàng hóa cũng cấp cho thị trường. Gia đình anh Hoàng Văn Lới ở thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc trước đây là hộ nghèo, hàng ngày anh chủ yếu đi làm thuê, thu nhập bấp bênh. Sau khi được cán bộ địa phương tuyên truyên, vận động tham gia mô hình nuôi gà Tiên Yên thương phẩm, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi 1000 con gà. Năm đầu tiên gia đình anh bán gà thu lãi 70 triệu đồng, cùng với chính sách hỗ trợ con giống ban đầu việc nuôi gà đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay gia đình anh đã phát triển đàn gà lên đến 4000 con gà mỗi năm, đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Anh nói: “Trước kia, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, đi làm thuê, làm mướn cảm thấy khổ cực và không đủ ăn. Từ khi được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, được cán bộ tuyên truyền nên gia đình tôi mạnh dạn đầu tư nuôi gà Tiên Yên để phát triển kinh tế và đã đem lại hiệu quả cao. Mỗi năm tôi chăm 4 lứa, mỗi lứa 1000 con, thu nhập mỗi năm từ đàn gà là 280 triệu đồng”.

Trong thời gian tới, xã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, tuyên truyền, vận động, đến từng hộ gia đình cùng tham gia các mô hình giảm nghèo được các cấp quan tâm, đầu tư. Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và từng bước vươn lên thoát nghèo cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số, thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu giảm nghèo của Nhà nước./.

Hoàng Khoa