Si Ma Cai là vùng đất thượng nguồn của sông Chảy, khi hậu mát mẻ, trong lành. Nơi đây là một địa danh có nhiều phong cảnh đẹp và được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ. Là địa phương có nhiều núi cao nên việc phát triển nông nghiệp rất khó khăn. Nhưng với tinh thần cần cù, sáng tạo của người dân, sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, huyện đang từng bước biến bất lợi thành những lợi thế của địa phương. Định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng đưa nơi đây trở thành vùng cây ăn quả ôn đới lớn nhất của tỉnh. Đó là chứng minh cho những sáng tạo, quyết tâm của Si Ma Cai trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.
Ngày 18/8/2000, khi được tách từ huyện Bắc Hà thành 2 đơn vị hành chính cấp huyện là Bắc Hà và Si Ma Cai. Sau hơn 20 năm tái lập, diện mạo của huyện đã có nhiều thay đổi; vượt qua rất nhiều khó khăn, đặc biệt 5 năm qua là thời gian huyện Si Ma Cai phát triển nhanh, có những thay đổi toàn diện trong phát triển kinh tế nói chung và nông, lâm nghiệp nói riêng. Đây là minh chứng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã giúp huyện vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trở thành điểm sáng trong kết quả thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Tốc độ phát triển kinh tế trong 5 năm qua đạt 11,5%/năm, con số này cao gấp khoảng 2 lần so với trung bình của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với việc giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và tăng dần tỉ trọng dịch vụ, công nghiệp và thương mại. Những năm qua, huyện đã tập trung tạo ra những thay đổi về chất, về chỉ đạo, điều hành. Cụ thể là việc phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng chiều sâu, phát triển theo vùng, sản xuất hàng hóa mang tính tập trung cao. Đặc biệt, huyện đã xây dựng vùng cây ăn quả ôn đới có quy mô lớn cho người dân vùng cao, góp phần nâng mức thu nhập của người dân nơi đây ổn định và nâng lên rõ rệt. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất, bền vững nhất để huyện vươn lên trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới thành công.
Cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền cho người dân như: Hỗ trợ phấn bón, giống cây trồng… Từ những hỗ trợ chính sách cho phát triển sản xuất đó mà người dân Si Ma Cai đã đảm bảo được lương thực, không còn tình trạng các hộ thiếu lương thực vào các vụ giáp hạt. Nhưng chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô có giá trị kinh thế thấp thì khó có thể phát triển kinh tế và làm giàu, vì vậy huyện đã chủ động phát triển cây ăn quả ôn đới như cây mận, cây lê… và xác định cây ăn quả ôn đới là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ những thử nghiệm, kiểm tra chất lượng của cây ăn quả ôn đới cho kết quả cao, huyện đã chủ động nhân rộng mô hình trên địa bàn.
Gia Đình anh Hảng Seo Sình - thôn Seng Siu, xã Lùng Thần, huyện Si Ma Cai đã có thu nhập lớn nhất từ trước đến nay từ việc trồng gần 100 gốc lê VH6 đem lại thu nhập hơn 90 triệu đồng/năm. Đây là số tiền rất lớn đối với hộ nông dân vùng cao. Từ kết quả trên, anh đã đem gốc lê VH6 đến từng hộ gia đình, đồng thời hướng dẫn về kỹ thuật trồng cây ăn quả ôn đới cho từng người dân, giúp các hộ nông dân có thêm thu nhập ổn định và phát triển kinh tế.
Phát triển cây ăn quả ôn đới ở Si Ma Cai là sự kết hợp các yếu tố quan trọng từ khí hậu, tiềm năng đất đai và kinh nghiệm lao động, khoa học, kỹ thuật và tổ chức sản xuất của người dân cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, sử dụng tổng hợp các nguồn lực, hỗ trợ người dân trồng cây ăn quả trên quy mô lớn, tập trung và liên kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu đi nước ngoài.
Cùng với các loại cây trồng nông nghiệp khác, cây ăn quả ôn đới đã góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân, từng bước đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Cây ăn quả ôn đới là động lực thúc đẩy người dân, doanh nghiệp tích cực đầu tư chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp./.
Minh Phương