Gò Quao đã xây dựng được các vùng chuyên cây trồng chủ lực, như: Khóm, hồ tiêu, lúa.
Trong năm 2022 huyện xây dựng kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống thu nhập trung bình, kết quả toàn huyện còn 1.343 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,92% (giảm 1,4% so với năm 2021), trong đó hộ nghèo là dân tộc Khmer là 648 hộ… Hộ cận nghèo còn 2.629 hộ, chiếm tỷ lệ: 7,68%, trong đó dân tộc Khmer có 1.063 hộ, chiếm 9,16% so với tổng số hộ khmer toàn huyện… Đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là xã Định An với 5,40%; thấp nhất là thị trấn với 1,53%...
Có được kết quả này là do, các cấp ủy Đảng, chính quyển, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội đã xác định được mục tiêu giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách, dự án có liên quan đến chương trình giảm nghèo; tuyên truyền nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, tạo được sự chuyển biến phát triển về nhiều mặt tại các xã, thị trấn góp phần giúp cho người nghèo từng bước được cải thiện đời sống. Đặc biệt qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người nghèo từng bước được nâng lên, tự giác thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất, tích cực tham gia học tập và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất, cần cù chịu khó trong lao động sản xuất, cần kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo. Nhiều mô hình sản xuất của người nghèo đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững, trong đó có một số mô hình sản xuất của đồng bào nghèo dân tộc thiểu số.
Ban chỉ đạo Giảm nghèo bền vững của huyện thường xuyên tổ chức quán triệt Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Nghị quyết của Huyện ủy và bám sát chương trình chỉ đạo của UBND huyện và Kế hoạch số 26 của UBND huyện đến các xã, thị trấn; tổ chức tuyên truyền, vận động đến tận các hộ nghèo nâng cao nhận thức cho bản thân và gia đình, muốn giảm nghèo bền vững cần có quyết tâm cũng như tham gia lao động cần cù, tích cực tìm tòi học cách làm có hiệu quả, mạnh dạn ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tận dụng thế mạnh của hộ và phải thay đổi tập quán sinh sống, hạn chế ăn sài, chi tiêu tiết kiệm…
Công tác quản lý hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo được Gò Quao đặc biệt quan tâm, năm 2022, toàn huyện giới thiệu việc làm cho 3.800 lao động đạt 126% (trong đó lao động mới 2.524 người); tổ chức đưa 22 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Nhật Bản 20, Đài Loan 02) đạt 110% chỉ tiêu, hiện còn 14 trường hợp đang theo học tiếng và học định hướng thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, huyện cũng tổ chức đào tạo được 28/24 lớp nghề với 868 người lao động theo học (14/12 lớp phi nông nghiệp, 14/12 lớp nông nghiệp) đạt 116,67% kế hoạch. Qua khảo sát có trên 80% lao động có việc làm sau học nghề và qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 65,01%. Đây là một trong những giải pháp quan trọng tạo điều kiện tìm việc làm và có thu nhập ổn định mang lại hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo.
Đối với trồng trọt và chăn nuôi đã tổ chức được 80 cuộc về phòng trừ dịch bệnh trên lúa, có 2.080 nông dân tham dự tập huấn chuyên đề (2 lớp, có 60 nông dân tham dự); tổ chức được 50 cuộc hội thảo với 1.351 lượt người tham dự. Hiện tại, đang tiếp tục triển khai các mô hình như: Nuôi lươn không bùn, nuôi thử nghiệm ốc bươu đen thương phẩm, nuôi thử nghiệm cá chốt trâu thương phẩm, nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong ao đất, nuôi cua biển thương phẩm, cải tạo vườn tiêu, dự án cánh đồng lớn, chuyển giao KHKT xã nông thôn mới…
Theo đánh giá chung thì hầu hết các mô hình trên người nông dân đều có lợi nhuận cao hơn, mang lại hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế và môi trường, được chính quyền địa phương đánh giá cao, góp phần chuyển đổi và đa dạng hóa cơ cấu cây trồng vật nuôi, có tác động tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn…
Chia sẻ về kết quả trong công tác giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Đăng, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Gò Quao cho biết: “Có được những kết quả trên là do sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp huyện và cơ sở… Đã có tác động tích cực trong quá trình nâng cao nhận thức của người nghèo, từ đó xuất hiện nhiều hộ nghèo tự giác thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất, đời sống, tích cực tham gia học tập và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất, cần cù chịu khó lao động, cần kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững… Đây cũng có thể là điểm nhấn quan trọng trong công tác triển khai thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ cho người nghèo luôn thu được những kết quả tốt, tạo được sự chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội nhất là tại vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và góp phần cải thiện đời sống người nghèo…”
Nguyễn Hữu