00:00 Số lượt truy cập: 3040374

Gương chủ tịch Hội Nông dân xã vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững 

Được đăng : 19/06/2023
Sinh ra và lớn lên ở xã Mường Tè, huyện Mường Tè - là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu, gia đình anh Lù Văn Khại, 55 tuổi, người dân tộc Giáy chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác lạc hậu nên thu nhập, đời sống của gia đình anh cũng như người dân trong huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Hàng năm gia đình anh phải cân, đong và vay mợn anh, em hàng xóm thiếu ăn từ 1 đến 2 tháng; con cái không được ăn no, mặc đẹp, nhà cửa tạm bợ, dột nát.

bai-binh

Nhờ được 
chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, đàn bò của gia đình anh phát triển nhanh

Chính hoàn cảnh đó luôn thôi thúc anh suy nghĩ phải làm thế nào để thoát nghèo, làm sao xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Anh nhận ra rằng muốn thoát cái nghèo là phải làm kinh tế và có xây dựng kế hoạch, có đất sản xuất, phải tiết kiện trong chi tiêu, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đúng lúc đó, huyện Mường Tèchủ trương khuyến khích, động viên hộ nghèo tự nguyện đăng ký cam kết vươn lên thoát nghèo, tích cực thi đua phát triển kinh tế hộ, anh có thêm động lực để biến ước mơ của mình thành hiện thực. Anh đã quyết tâm phát triển kinh tế gia đình với mô hình chăn nuôi bò sinh sản kết hợp với trồng cây ăn quả.

Tận dụng chính sách ưu đãi vốn để phát triển, kinh tế, chăn nuôi theo nhóm hộ, anh đã bàn bạc với gia đình mạnh dạn làm hồ sơ vay Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân huyện được số tiền 100 triệu đồng. Được sự tư vấn và hỗ trợ khoa học kỹ thuật của Hội Nông dân huyện, xã, anh vay thêm bạn bè, người thân quyết định đầu tư chuồng trại và mua 5 con bò giống về nuôi thử. Ngoài ra anh còn trồng thêm cây ăn quả như bưởi, cam, chanh với tổng diện tích 3.000m2 và phải thuê 5 người làm công nhật hằng ngày.

Thời gian đầu bắt tay vào sản xuất, anh luôn lo lắng, vừa phải trả lãi ngân hàng vừa phải làm thế nào để trả công cho người lao động. Tuy nhiên, nhờ có kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, đàn bò sinh sản tăng dần từng năm. Anh tiếp tục đầu tư chuồng trại để phục vụ chăn nuôi bò một cách quy mô, bài bản và khoa học. Nước thải, phân bò được thu gom, xử lý trong ngày, tận dụng làm nguồn phân bón hữu cơ cho cây ăn quả. Để đảm bảo nguồn thức ăn xanh và giàu dinh dưỡng cho đàn bò, anh Khại trồng thêm tận dụng đất đai trồng thêm cỏ voi. Nhở đi đúng hướng và sự cần mẫn, chăm chỉ lao động mà mô hình kinh tế của gia đình anh phát triển thuận lợi và không ngừng phát triển. Cây cối cũng đâm hoa kết trái, cho thu hoạch khiến anh rất vui mừng, phấn khởi.

Sau gần 6 năm tập trung vào sản xuất và kinh doanh, đến nay anh đã gây dựng được mô hình chăn nuôi bò sinh sản hơn 30 con, hàng năm bán ra thị trường từ 8-9 con bò giống với tổng trị giá thu được khoảng 150 triệu đồng. Nhờ phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, mô hình cây ăn quả bưởi, cam, chanh phát triển rất tốt, hàng năm cho thu nhập khoảng 100 tiệu đồng.

Không những năng động làm giàu mà anh còn tích cực tham hoạt động phòng trào Hội, tạo việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Hàng năm giúp được 1 đến 2 gia đình thoát nghèo, thiếu về vốn sản xuất và giống cây, giống con các loại để vươn lên làm ăn thoát nghèo.

Với vai trò là chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Tè, anh cùng BCH, BTV lãnh đạo và tổ chức thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của tổ chức Hội giao cho. Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của địa phương, anh luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để vận động hội viên trên địa bàn xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp sạch, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Từ đó, lên kế hoạch tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người dân chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng vật nuôi, đưa các loại giống cây, con mới có tiềm năng năng suất, chất lượng, hiệu quả vào sản xuất.

Để hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế, anh Khại luôn chú trọng rà soát, đánh giá hiệu quả về sử dụng vốn vay quỹ hỗ trợ nông dân, từ đó 5 mô hình với 31 hộ đã được vay vốn từ Ngân hàng CSXH; Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT; Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện và tỉnh để phát triển sản xuất. Anh còn phối hợp cung ứng phân bón chậm trả 51.275 tấn phân các loại cho 454 hộ với giá trị trên 300 triệu đồng.

Anh là tấm gương nông dân tiêu biểu, năng động, nhanh nhạy trong việc tiếp nhận các chính sách, nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tích cực học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo để phát triển kinh tế gia đình. Những năm qua anh đã góp phần làm cho hoạt động của hội nông dân trên địa bàn xã có những bước phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy các phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, nông dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của anh, từ năm 2017 đến nay anh liên tục nhận được giấy khen, bằng khen của UBND huyện Mường Tè, Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu.

Phúc Nguyên