Ông Trịnh Văn Tiến đang giới thiệu về các loại con đặc sản cho đoàn công tác 19 HND 19 tỉnh, thành tới thăm.
Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân năng động, đi trước đón đầu xu hướng, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ông Trịnh Văn Tiến - Chủ trang trại nuôi con đặc sản tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp là một tấm gương điển hình như thế.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo, gắn bó với nghề nông từ nhỏ lại là lao động chính của gia đình, ông đã nhiều đêm suy nghĩ, tìm hướng đi mới, làm gì để thoát khỏi cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu bằng sức lao động và trí óc của mình. Tuy nhiên với diện tích canh tác nhỏ lẻ, việc đầu tư sản xuất rất hạn chế nên thu nhập chẳng là bao, Ông Tiến đã bàn với gia đình thầu lại 2 ngọn đồi của xã để đầu tư và phát triển ý tưởng nuôi con đặc sản của mình. Sau khi trình bày ý tưởng được các cấp các ngành ủng hộ, ông Tiến đã tham gia các lớp tập huấn của Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở để học tập, tìm kiếm thêm thông tin trong việc vận hành trang trại và kỹ thuật nuôi các loại con, cây đặc sản.
Mấy năm đầu chuyển đổi, gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn, kinh nghiệm ít ỏi, thời tiết lại không thuận lợi nên có lúc bản thân ông và những người trong gia đình đã suy nghĩ không thể làm nổi nữa. Song với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các ngành, đoàn thể trong xã cùng với niềm đam mê của mình, ông đã quyết không bỏ cuộc. Ông được Hội Nông dân thành phố Tam Điệp hỗ trợ giải ngân 50 triệu đồng vốn Quỹ hỗ trợ nông dân nguồn Hội Nông dân tỉnh để xây dựng trang trại và mua thêm con giống.
Nhờ bàn tay chịu thương, chịu khó của vợ chồng ông mà cả một khu đất hoang nay đã định hình thành mô hình trang trại. Ban đầu, gia đình ông chỉ nuôi nhỏ lẻ mỗi loại vài con nhưng đến nay số lượng đã tăng lên đáng kể với hơn 250 hươu, nai; 110 dê; 20 ngựa; nhím 250; 50 lợn cắp nách; hàng nghìn gia cầm các loại và mỗi năm thu trên 5 tấn thủy sản.
Để có đầu ra ổn định cho trang trại ông Tiến đã mở thêm 1 nhà hàng ăn uống; 1 cửa hàng nông sản an toàn phục vụ các loại thực phẩm do trang trại của mình cung cấp. Cửa hàng Nông sản an toàn Tam Điệp do chính ông Tiến làm chủ được khai trương vào tháng 11/2017. Đây là cửa hàng thứ 2 trên địa bàn tỉnh có sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh thuộc đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn”.
Không những đón đầu xu hướng trong chăn nuôi khép kín mà ông Tiến còn quy hoạch trang trại thành lập Hợp tác xã Nông sản và du lịch Tam Điệp. Hiện nay, con đường vào trang trại đã được đổ đá, một phần bê tông hóa; các khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng; khu trải nghiệm được ông quy hoạch cẩn thận mở cửa đón du khách tới thăm quan và nghỉ lại. Hợp tác xã Nông sản và du lịch Tam Điệp đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp chứng nhận OCOP mỗi làng một sản phẩm.
Năm 2019, Hợp tác xã Nông sản và du lịch Tam Điệp do ông Trịnh Văn Tiến làm giám đốc đã đón đồng chí Thào Xuân Sùng – UVTW Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch 19 tỉnh, thành Hội đến thăm. Đồng chí Thào Xuân Sùng đánh giá cao ý tưởng xây dựng mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Tiến. Mong thời gian tới, hội viên nông dân sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vừa đảm bảo đầu vào, lại an toàn và chất lượng cho đầu ra. Từ việc đa dạng hóa các loại con nuôi, nhanh nhạy nắm bắt thị trường xây dựng khu du lịch mà hàng năm doanh thu của gia đình ông đã đạt trên 10 tỷ đồng. Trang trại của ông tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động với mức lương dao động từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng. Nói về những vất vả gây dựng thành công của mình, ông vẫn rất khiêm tốn. “Mình cứ cố gắng, thất bại mãi rồi cũng sẽ thành công thôi”.
Không chỉ là tấm gương trong sản xuất kinh doanh giỏi mà ông Tiến còn được nhiều hội viên nông dân yêu mến bởi những đóng góp cho xã hội. Năm 2017, ông phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức cho hội viên đi thăm quan các mô hình làm ăn có hiệu quả, đưa những cây con có giá trị vào sản xuất, trị giá hàng trăm triệu đồng; giúp vốn, giống, cây, con cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn trị giá 70 triệu. Bên cạnh đó, ủng hộ làm đường giao thông, kéo điện cho bà con trị giá hơn 200 triệu đồng…Gia đình ông luôn là một trong những hộ nông dân đi đầu trong công tác đóng góp ủng hộ từ thiện và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Lê Bích