Đến thăm xã Long Xá (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) hỏi anh Hoàng Minh Khánh có lẽ không ai là không biết, anh là tấm gương nông dân trẻ có nghị lực và tinh thần học hỏi, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo.inh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân thuần túy, tại địa bàn vùng bãi ven sông Lam, năm nào cũng chịu tác động của lũ lụt, cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình có 2 sào ruộng (1000 m2), chỉ sản xuất được 1 vụ lúa/năm, năm được mùa thì đủ lương thực phục vụ 06 miệng ăn. Việc chăn nuôi bò, lợn gà, sau khi trừ chi phí lợi nhuận mỗi năm bình quân khoảng 20-25 triệu đồng. Lúc nông nhàn không có việc làm, chỉ đan lát những mặt hàng thông dụng thu nhập thấp. Là con duy nhất trong gia đình, bố mẹ đau ốm thường xuyên nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh phải gác lại giấc mơ đại học, ở nhà lao động sản xuất, nuôi sống gia đình. Đã nhiều lần anh nghĩ đến chuyện vào Nam làm công nhân như nhiều thanh niên khác, nhưng thấy bố mẹ ngày càng già yếu, anh quyết tâm bám trụ với mảnh đất quê hương, tìm kế mưu sinh, trăn trở tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Cuối năm 2007, một người bà con bên ngoại của anh ở TP. Vinh mở cửa hàng bán vòng hoa, ngỏ ý đặt đan sản phẩm thô. Từ đó, anh có thêm nghề phụ. Dù thu nhập chẳng đáng là bao nhưng qua những chuyến đi giao hàng anh thấy ở cửa hàng hoa tươi gần đó, thỉnh thoảng lại có một chuyến xe từ Hà Nội chở đến cửa hàng này các sản phẩm mây tre đan làm phụ kiện cắm hoa như đôn lẵng hoa, vòng hoa và giỏ đựng quà… Anh nảy ra ý tưởng mở cơ sở sản xuất mây tre đan thủ công mỹ nghệ. Anh dồn tiền mua các sản phẩm đưa về nhà, tháo tung ra tìm hiểu cách đan và làm thử. Với sự khéo tay của mình, chỉ sau một thời gian ngắn anh đã có thể tự mình đan được tất cả các loại sản phẩm nói trên và hướng dẫn cách làm cho các thành viên khác trong gia đình. Năm 2009, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng và bạn bè để đầu tư với mô hình: Sản xuất, kinh doanh phụ kiện ngành hoa.
Quy mô sản xuất đến nay gồm có 05 nhà xưởng sản xuất và kho bãi với với tổng diện tích trên 2.000 m2 trong đó có 02 xưởng sản xuất tại địa phương, 02 xưởng sản xuất tại Trại giam số 6 Thanh Chương và 01 xưởng sản xuất tại Trại giam Xuân Hòa tỉnh Hà Tĩnh. Tổng số vốn đầu tư hiện nay trên 15 tỷ đồng, trong đó vốn lưu động 5 tỷ đồng. Năm 2019 anh bán ra thị trường trên 700.000 sản phẩm các loại với tổng doanh thu trên 6,5 tỷ đồng, thu nhập sau khi trừ chi phí còn lãi ròng 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra gia đình còn làm thêm 0,2 sào lúa, phát triển chăn nuôi bò, gà nhằm tận dụng lợi thế đất vùng bãi Sông Lam để cải thiện đời sống. Với những thuận lợi trên, kết quả trong 5 năm trở lại đây thu nhập của gia đình hàng năm đều tăng lên, năm sau hơn năm trước. Đến năm 2019 tổng thu nhập đã trừ chi phí đạt 1,25 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020 thu nhập đã trừ chi phí đạt 1,3 tỷ đồng.
Hiện tại, gia đình anh đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 280 lao động, trong đó lao động trên địa bàn xã và trong xóm là 80 người và có 25 lao động thuộc diện hộ nghèo, 35 lao động thuộc hộ cận nghèo, mức lương trả theo sản phẩm người thấp nhất 4,5 triệu đồng/tháng, người cao nhất 7,5 triệu đồng/tháng và 200 lao động là phạm nhân của hai trại giam mức lương trả bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, từ năm 2015 đến nay, gia đình anh đã trích từ phần lợi nhuận để ủng hộ với số tiền trên 384,5 triệu đồng, bình quân mỗi năm 77 triệu đồng để hỗ trợ các hoạt động của địa phương như: làm đường GTNT, hệ thống chiếu sáng trên các trục đường của xóm...
Với những việc làm đó, nhiều năm liền anh được UBND xã, huyện, tỉnh tặng giấy khen, Bằng khen; năm 2011 và 2012 được tặng giải thưởng Lương Đình Của do Trung ương đoàn tổ chức và Gương mặt trẻ xuất sắc tỉnh Nghệ An, năm 2018, UBND huyện Hưng Nguyên tặng giấy khen có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
(P.Anh)