Sinh ra trong gia đinh thuần nông nghèo, cùng lớn lên với cây cỏ ruộng đồng. Học xong cấp 3, không như đa phần những thanh niên nông thôn khác tìm cách ra thành phố, hay những khu công nghiệp để tìm cho mình một công việc phù hợp, làm thuê với một khoản thu nhập eo hẹp hàng tháng để sinh nhai. Nhận thấy ở địa phương nhiều người dân bỏ hoang đồng ruộng do trồng lúa, hoa màu thu nhập không cao, anh Nhất đã thuê lại những thửa ruộng của người nông dân bỏ hoang để gieo trồng cho những ước mơ của mình.
Ngay từ ban đầu đầu, anh trồng rất nhiều loại cây ăn quả truyền thống phổ biến như ổi, táo để lựa chọn cây cho năng suất cao... do không có kinh nghiệm cộng với kỹ thuật hạn chế nên kết quả không đạt như kỳ vọng. anh nhận ra rằng đam mê thôi là chưa đủ, cần phải áp dung khoa học kỹ thuật thì mới có khả mới có thể thành công.
Trong khi đang loay hoay tìm hướng đi mới cho cây trồng thì anh Nhất gặp lại người bạn thân có nhiều năm kinh nghiệm trồng dưa lưới chia sẻ bí quyết. Chí đã quyết, anh Nhất khăn gói vào tận Hà Tĩnh quê bạn để thực mục sở thị, học hỏi kinh nghiệm trồng dưa lưới. Thời điểm đó là năm 2018, khi mà việc trồng dưa lưới vẫn còn là vấn đề hết sức mới mẻ với người nông dân.
Có được chút kinh nghiệm bạn thân chia sẻ, cộng với thời gian ngắn trải nghiệm cùng mô hình dưa lưới của người bạn thân, anh Nhất đầu tư thuê hơn 1.000m2 đất ruộng bỏ hoang tại cánh đồng quê nhà để đầu tư trồng dưa lưới. Năm 2018, mạnh dạn vay 600 triệu đồng, số vốn ban đầu khá lớn để đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhiều người chia sẻ với anh sự lo lắng, nhiều lúc bản thân anh Nhất cũng không ít hoài nghi về quyết định táo bạo của mình. Nhưng đã quyết là làm, đã bỏ tiền đâu tư thì phải theo đến cùng, không còn đường lui, với một hy vọng về một tương lai sáng láng, anh quyết tâm đến cùng. “Lúc bắt đầu gian nan lắm, tôi phải tự làm đường dây cách đó hơn 1km để kéo điện về. Đáng nhớ nhất là việc mua phải hệ thống tưới cây không đảm bảo kỹ thuật nên tổn thất một khoản tiền rất lớn. Đây cũng là một bài học đáng nhớ nhắc nhở tôi khi làm việc gì cũng nên tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ”, anh Nhất chia sẻ
Từ việc áp dụng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng như mô hình của người bạn thân, anh Nhất đã đầu tư xây dựng hơn 1.000 mét vuông nhà kính, đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt có đầy đủ trang thiết bị đo các chỉ tiêu của nước… Nhờ đó, chất lượng trái dưa được đảm bảo, năng suất cao hơn, sâu bệnh giảm đi vì có lưới ngăn côn trùng. Dưa lưới trồng trong nhà kính sẽ không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh. Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất đã giúp anh Nhất tiết kiệm được chi phí nhân công và giá thành sản phẩm cũng cao hơn. “Từ lúc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, số lượng lao động cần thuê giảm đi một nửa. Ngoài ra giá dưa cũng cao gấp 3 lần so với dưa trồng bên ngoài vì đảm bảo chất lượng và an toàn hơn”, anh Nhất cho biết thêm.
Luôn mong muốn cung cấp sản phẩm sạch và chất lượng cao đến người dân nên thay vì sử dụng phân bón vô cơ anh Nhất tận dụng thu mua phân hữu cơ từ địa phương để bón cho cây. Bên cạnh đó, giống cây cũng được anh chọn mua từ nơi uy tín và được chọn lựa kỹ càng. Vì vậy, số lượng dưa thu hoạch đến đâu được thu mua đến đó. Hiện tại, dưa lưới được trồng 2 vụ mỗi năm, với giá bán 60.000 đồng/kg loại I, 40.000 đồng/kg loại II. Trừ đi các khoản chi phí, anh thu lãi hơn 400 triệu đồng/năm. Nếu so với trồng táo, ổi thì trồng dưa lưới thu nhập tăng gấp 5 lần. Mô hình trồng dưa lưới của anh Nguyễn Huy Nhất giúp cải thiện được đời sống kinh tế của gia đình và đóng góp một phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Hiện anh đã mở rộng quy mô sản xuất lên 3.000 m2 nhà kính để trồng dưa lưới. Bên cạnh đó, anh cũng trồng xen canh thêm nhiều loại cây khác như: cà chua, dưa leo để tăng năng suất và cung cấp nguồn thực phẩm sạch ra thị trường. Đây cũng là 3 sản phẩm chủ lực trong gia đình anh đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Đam mê với nông nghiệp sạch, dự định của anh Nhất thời gian tới sẽ trồng thêm các loại rau ăn lá bán thủy canh để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn
Trường Giang