00:00 Số lượt truy cập: 2987296

Hà Nam phát triển bền vững ngành nông nghiệp công nghệ cao 

Được đăng : 14/10/2021
Ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu giúp nông nghiệp phát triển. Hà Nam đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra bước tiến vượt bậc cả về năng suất và giá trị. Hiện tỉnh có nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao đã được hình thành và phát triển, thu hút được các doanh nghiệp lớn.

ha-nam

Mô hình nhà kính công nghệ cao của Công ty VinEco Hà Nam.
 

Giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư, tăng cường liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân và các tổ chức nông dân.

Chủ trương của tỉnh về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã đi vào thực tiễn, thúc đẩy sản xuất các loại rau, củ, quả, cây dược liệu, lúa chất lượng cao, hoa ở các địa phương. Đến nay, các xã đã tập trung được gần 2.100 ha; trong đó có 55 mô hình sản xuất rau, củ quả, hoa và cây dược liệu; 13 mô hình sản xuất cây ăn quả; 98 mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cho giá trị sản xuất trên hec-ta đất canh tác cao hơn so với sản xuất truyền thống từ 15 - 20%.

Tỉnh đã thu hút được các doanh nghiệp lớn, có khả năng đầu tư vào các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như khu nông nghiệp công nghệ cao xã Xuân Khê - Nhân Bình với diện tích 180 ha, xã Nhân Khang diện tích 21,6 ha. Năm 2020, các doanh nghiệp trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục duy trì sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Khê – Nhân Bình (huyện Lý Nhân), Công ty VinEco có 6 ha nhà kính, trong đó 3 ha nhà kính sản xuất dưa chuột 3 vụ/năm, giá trị sản xuất đạt hơn 1,5 tỷ đồng/ha/năm; 1 ha nhà kính trồng cà chua 2 vụ/năm, giá trị sản xuất đạt 3,6 tỷ đồng/ha/năm; 1 ha nhà kính trồng dưa lưới, năng suất đạt 20 tấn/vụ/ha. Tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nhân Khang (huyện Lý Nhân), Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam trồng gối vụ 8 ha dưa lưới trong nhà kính, năng suất đạt 20-25 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/vụ…

Về việc thực hiện các mô hình liên kết sản xuất nông sản sạch ngoài khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay, toàn tỉnh Hà Nam có 84/98 xã tổ chức tích tụ, tập trung đất đai được hơn 2.000 ha; xây dựng được 166 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch.

Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Nam khóa XIX về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, UBND tỉnh Hà Nam đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thu hút các nhà đầu tư liên kết sản xuất để đưa các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh vào các siêu thị, thị trường lớn. Tiếp tục tập trung ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và chuyển đổi những khu nông nghiệp công nghệ cao đã phê duyệt không phù hợp. Hướng tới những khu nông nghiệp công nghệ gắn với du lịch sinh thái du lịch trải nghiệm mà Hà Nam có lợi thế nhiều điểm du lịch gắn với Hà Nội phát triển loại hình du lịch không lưu trú.

 

TB