Kinh tế nông thôn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của thành phố Hà Nội.
Tín hiệu vui từ chủ trương đúng
Thành phố Hà Nội đã ban hành và thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.
Chủ trương này đã được ngành Nông nghiệp thành phố không ngừng hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Để nâng cao hiệu quả, thành phố cũng thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 20% so với ngoài mô hình.
Bà Bùi Thị Thanh hà, Giám đốc HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (Thường Tín) cho biết, với mục tiêu cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, HTX đã ứng dụng công nghệ cao, đầu tư nhà màng, sản xuất theo “5 không”: không phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc trừ cỏ, không chất kích thích tăng trưởng và không cây trồng chuyển gen. Chính vì vậy mà người tiêu dùng đã được sử dụng sản phẩm rau mầm bảo đảm chất lượng, an toàn nhất.
Hay tại HTX Bưởi sạch và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Phú Cường (Sóc Sơn), nhờ sử dụng các loại phân sinh học, hữu cơ để ngăn chặn dịch bệnh, thực hiện bao quả giúp bưởi đậu sai quả… nên 28 ha bưởi của HTX đã hạn chế được sâu bệnh, mẫu mã quả đều và đẹp, tỷ lệ quả loại 1 cao. Năng suất bưởi đạt từ 21 – 25 tấn quả/ha, giá bán 20.000 – 25.000 đồng/quả loại 1, từ 10.000 – 12.000 đồng quả loại 2. Điều này giúp thành viên có niềm tin vào HTX, thay đổi lối sản xuất và đặc biệt là giúp hiệu quả kinh tế cao hơn từ 16 – 40% so với ngoài mô hình.
Theo thống kê, thành phố Hà Nội đang có 1.165 HTX hoạt động và cũng là địa phương có số lượng HTX lớn nhất cả nước hiện nay. Việc hỗ trợ người dân, HTX ứng dụng công nghệ đã giúp thành phố xây dựng và phát triển được 2.167 sản phẩm OCOP. Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực. Riêng trong năm 2022, thành phố đánh giá, công nhận được 518 sản phẩm OCOP, tăng 118 sản phẩm so với kế hoạch đề ra (đạt 400 sản phẩm).
Ngoài ra, việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đã giúp các làng nghề truyền thống của thành phố không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng. Theo thống kê, Hà Nội hiện có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, thành phố có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha. Hiện, các cơ sở này được ngành chức năng thành phố đánh giá là sản xuất ổn định và có xu hướng tiếp tục phát triển.
Sự phát triển này đã giúp Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng 3 huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới là Ứng Hòa, Ba Vì và Mỹ Đức, đang trong quá trình thẩm định, hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố.
Về xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, hiện nay, toàn thành phố có 4 huyện: Thanh Trì, Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Bên cạnh đó, huyện Thanh Oai đã có văn bản đăng ký và cam kết hoàn thành huyện nông thôn mới trong năm 2023.
Hà Nội bứt phá xây dựng nông thôn mới
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố đã hình thành 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình về thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung nhiều tại các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng...
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Nguyễn Văn Chí: Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục duy trì và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ tại các vùng chuyên canh tập trung; Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, thành phố sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị...
Tuy nhiên để làm được điều này, không chỉ thành phố mà các địa phương cũng cần tập trung, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả trong sản xuất, từ đó bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích đúng kế hoạch.
Bởi để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn từ đó hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, các địa phương phải hỗ trợ người dân, HTX thực hiện tốt sản xuất vụ mùa, áp dụng biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Có như vậy mới nâng cao được thu nhập của người dân nông thôn, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng...
Nguyễn Hùng