Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân kết hợp với sự tham gia của các thành phần kinh tế để góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện các mục tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện, môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp hơn, giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, an ninh chính trị được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, khoảng cách phát triển giữa nông thôn - đô thị từng bước được thu hẹp.
Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình, toàn tỉnh đạt bình quân 6,7 tiêu chí/xã, xã đạt tiêu chí cao nhất là 14 tiêu chí; Thu nhập bình quân/người khu vực nông thôn năm 2010: 14,2 triệu đồng; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2010 là 12,2%. Đến nay, 100% các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; 43/178 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hải Dương là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2011-2021 tổng kinh phí để thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh là 58,4 nghìn tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách chỉ chiếm 20,1%, còn lại là nguồn vốn đóng góp của nhân dân và hỗ trợ của doanh nghiệp. Toàn tỉnh cơ bản không còn nợ đọng xây dựng cơ bản.
Khi bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, cũng như một số địa phương khác, Hải Dương gặp nhiều khó khăn trong việc huy động và bố trí nguồn lực thực hiện. Hải Dương đã phát huy vai trò chủ thể của nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tạo sự đồng thuận và sự hưởng ứng tham gia của người dân; sáng tạo trong huy động nguồn lực (từ doanh nghiệp, tín dụng, đóng góp của người dân...); ưu tiên hỗ trợ đầu tư các tiêu chí, hạng mục công trình cấp bách, thiết thực nhất (nước sạch, điện, y tế, trường học...), không đầu tư dàn trải, không để nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Hải Dương là một điểm sáng trong việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao, với nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ra thị trường thế giới như vải thiều, cà rốt, nhãn, thịt lợn sữa, rau, củ… Về Hải Dương hôm nay, chúng ta vui mừng được thấy diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, cảnh quan môi trường được cải thiện ngày càng xanh- sạch-đẹp.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hải Dương hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đây là hướng đi đúng đắn để "tam nông" cất cánh với nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đa dạng về hình thức, từng bước tạo nền tảng vững chắc để người nông dân, doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phát triển bền vững. Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 60% số xã (107 xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (dự kiến 107 xã) và có ít nhất 20% số xã (36 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thu nhập hình quân người dân nông thôn đạt từ 76-80 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm sau khi rà soát 100% số xã đạt các chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 và hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh.
Trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao hiện nay, Tỉnh Hải Dương xác định, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thúc đẩy, nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Do đó, việc thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp của tỉnh đã tạo nên động lực mới về tái cơ cấu nông nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Do đó, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực hợp pháp đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư các công trình, dự án hạ tầng kinh tế-xã hội có sức lan tỏa, là "vốn mồi" để kích hoạt thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền. Tỉnh phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Giờ đây, trong sản xuất nông nghiệp không chỉ sản xuất ra nhiều nông sản là đủ mà phải là những nông sản có lợi thế thị trường để mang lại giá trị cao và có sự liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, mô hình tổ chức sản xuất phải ưu thế, tôn trọng hợp tác, sánh ngang các nước trong khu vực. Các vùng nông thôn Hải Dương trên tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu song không tách rời quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện mục tiêu làm sao để cuộc sống, thu nhập của người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng lên, hướng đến mặt bằng chung của vùng đô thị hiện nay./.
Phùng Hà
Nhiều vùng quê Hải Dương khởi sắc nhờ CTMTQG nông thôn mới (Ảnh ST).