00:00 Số lượt truy cập: 3041430

Hải Phòng với cách làm hiệu quả trong huy động nguồn lực để xây dựng giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới 

Được đăng : 21/11/2022
Hải Phòng là thành phố ven biển, nằm phía đông miền duyên hải Bắc Bộ, cách Thủ đô Hà Nội 102 km, giáp ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Thái Bình và phía Đông là bờ biển chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, diện tích tự nhiên 1.522,5 km2, dân số 2,05 triệu người, trong đó dân số thành thị chiếm 45,41%. Những năm qua, thành phố Hải Phòng đã có những bước phát triển đột phá, đặc biệt về cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, thu hút đầu tư nước ngoài, trở thành trọng điểm kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng

z38270552614725adfdb3aa86f79927de76ab2468297084f842878c5c248eca70f107624973f7e
Đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam t
rao giấy chứng nhận hộ SXKD giỏi cấp Trung ương.
 

Đối với Hải Phòng, thành phố trực thuộc Trung ương có công nghiệp và dịch vụ phát triển, nhưng diện tích khu vực nông thôn còn rất lớn, chiếm khoảng 84% diện tích tự nhiên; diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 46%; dân số khu vực nông thôn chiếm khoảng 54% dân số thành phố; lao động khu vực nông thôn chiếm khoảng 59% lao động toàn thành phố. Phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, đời sống người dân nông thôn là nội dung lớn của Đảng và Nhà nước, được thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo qua các thời kỳ.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26-NQ/TW), Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 46-KH/TU ngày 05/9/2008 để tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW đến các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, với nhiều hình thức, đảm bảo sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn.

 Hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nông thôn

Thành phố đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xi măng xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, cụ thể: Ngân sách thành phố hỗ trợ 100% xi măng để làm đường giao thông thôn; nhân dân tự đóng góp vật tư khác, mặt bằng, nhân công và do nhân dân tự tổ chức thực hiện. Kết quả toàn thành phố đã hoàn thành trên 3.715 km đường giao thông, trong đó: khu vực khối huyện đạt 3.328 km, chiếm khoảng 90%; ngoài ra hỗ trợ khối quận để thực hiện được 387 km đường giao thông.

Tổng nguồn lực thực hiện chương trình hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn là 5.201 tỷ đồng, trong đó các huyện đã huy động được nguồn lực từ nhân dân đạt 4.455 tỷ đồng, chiếm 86%; ngân sách thành phố hỗ trợ thực hiện là 745 tỷ đồng, chiếm 14%. Trong đó, phần kinh phí đóng góp của nhân dân gồm:1,3 triệu ngày công, tương ứng 385 tỷ đồng; diện tích hiến đất 420 ha, tương ứng 3.200 tỷ đồng và khoảng 915 tỷ đồng giá trị vật tư khác.

Nếu tính toán đầu tư cho áp dụng theo quy trình đầu tư xây dựng cơ bản để hoàn thành 3.328 km đường trên (bình quân khoảng 2,3 tỷ đồng/km), thì số đầu tư là 7.654 tỷ đồng (chưa có tiền giải phóng mặt bằng). Nếu tính cả tiền đất là 3.211 tỷ đồng, thì tổng giá trị đầu tư của 3.328 km sẽ là 10.865 tỷ đồng. Trong khi đó, thực hiện chương trình hỗ trợ xi măng làm 3.328 km chỉ hết 5.201 tỷ đồng. Như vậy, chương trình hỗ trợ xi măng làm đường giao thông thôn, xóm, khu dân cư tại các huyện đã tiết kiệm được khoảng 5.664 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 52% giá trị công trình theo xuất đầu tư của cơ quan nhà nước. Việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn là một cách làm sáng tạo, đột phá của thành phố Hải Phòng, góp phần huy động được nguồn lực lớn từ xã hội, cùng với nguồn ngân sách thành phố để thực hiện.

Đầu tư làm đường giao thông theo tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu

Đến hết năm 2019, 100% (137/137) số xã của thành phố hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong khi chờ Trung ương tổng kết và ban hành Chương trình cho giai đoạn 2020-2025, trên cơ sở tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, thành phố đã tiến hành tổ chức thí điểm xây dựng 8 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ban hành Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025 gồm 5 lĩnh vực và 17 tiêu chí, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng tiêu chí về giao thông với 4 cấp đường tiệm cận như đô thị, gồm: đường từ xã đến đường huyện và đường liên xã (9 m); đường từ trung tâm xã đến trung tâm các thôn và đường liên thôn (7 m); đường trục thôn (5,5 m): đường ngõ xóm (3,5 m). Các tuyến trên có vỉa hè (ở khu trung tâm, khu dân cư) rộng tối thiểu 1,5 m; có rãnh thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh, biển báo chỉ dẫn giao thông.

Thành phố đã bố trí từ ngân sách thành phố gần 1.100 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện các nội dung về xây lắp, hỗ trợ vật kiến trúc trên đất tặng cho của nhân dân và vận động nhân dân tặng cho đất để xây dựng các công trình.

Kết quả: Có trên 4.700 hộ dân tặng cho gần 126 nghìn m2 đất để xây dựng 201 công trình nông thôn mới kiểu mẫu: Các công trình nông thôn mới hoàn thành đã từng bước định hình nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang, góp phần tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại các xã đã góp phần tăng giá trị đất trên địa bàn, qua đó giúp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, tạo nguồn lực để đầu tư các tiêu chí khác; Việc tặng cho quyền sử dụng đất đã giúp tiết kiệm ngân sách 160 tỷ đồng (đây là số tiền được tính theo đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng) đã thể hiện sự ủng hộ cao của nhân dân, qua đó khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Dương Mai