Ảnh minh họa
Không riêng gì Hậu Giang mà các tỉnh trong cả nước nói chung, trước kia việc phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), các loại phân bón qua lá cho cây trồng chiếm rất nhiều công sức của bà con. Người nông dân hầu như phải đeo bình phun thuốc thủ công và lội ruộng, vườn trong cái nắng gay gắt. Chưa kể đến những vườn cây cao, địa hình đồi núi dốc thì việc phun thuốc BVTV cho cây trồng hết sức khó khăn.
Tuy nhiên ngày nay, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công việc này đã có máy bay không người lái(Dron) thực hiện chỉ bằng một vài thao tác hết sức đơn giản.
Hậu Giang là một tỉnh thuộc đồng bằng Sông Cửu Long, có diện tích đất nông nghiệp là chủ yếu. Hàng năm tỉnh có khoảng hơn 200 nghìn hecta diện tích đất trồng lúa và nhiều diện tích trồng cây hoa màu và các loại cây ăn trái. Bên cạnh đó, nền nông nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và các tập quán canh tác truyền thống kém hiệu quả, tốn kém và có thể gây rủi ro cho sức khỏe. Do vậy yêu cầu cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng cấp thiết.
Bên cạnh đó, tình trạng di dân từ nông thôn ra các thành phố lớn, các khu công nghiệp, tình trạng xuất khẩu lao động ồ ạt dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động trong sản xuất nông nghiệp, nhất là lao động thời vụ. Sự phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, việc hình thành các cánh đồng mẫu lớn khiến người nông dân rất cần các dịch vụ bảo vệ thực vật chuyên nghiệp và hiệu quả cao để đảm bảo năng suất và sản lượng nông nghiệp của mình. Ứng dụng máy bay không người lái phun thuốc tại Hậu Giang sẽ giúp người nông dân giải quyết những thách thức đang phải đối mặt trong khâu phòng trừ sâu bệnh.
Đi tiên phong trong phát triển dịch vụ phun thuốc trừ sâu bằng máy bay điều khiển từ xa là Công ty AgriDrone Việt Nam. Công ty này phối hợp với cơ quan chức năng của Hậu Giang tiến hành triển khai công nghệ máy bay phun thuốc trừ sâu tại địa phương.
Quá trình triển khai sự phối hợp cho thấy máy bay phun thuốc sâu là thiết bị bay không người lái được trang bị những tính năng thông minh vượt trội đã hỗ trợ đắc lực cho người nông dân trong các khâu: phun thuốc sâu, gieo hạt, rải phân bón. Công suất của máy bay cực kỳ lớn, giúp giải quyết triệt để vấn đề thiếu nhân công lao động. Chẳng hạn như một chiếc máy bay phun thuốc DJI Agras T10 được trang bị bình phun 10 kg, chiều rộng phun có thể đạt tới 5 mét và hiệu suất hoạt động hơn 6,5 ha/giờ. Thời gian phun thuốc chỉ mất 15 phút cho 1 hecta ruộng thay vì mất cả buổi nếu phun thủ công. Phun thuốc bằng máy bay không người lái cho thuốc được phun đồng đều hơn, nâng cao hiệu quả diệt trừ sâu bệnh.
Với chiếc Dron mang nhãn hiệu DJI Agras T10 sử dụng thiết kế 4 vòi phun với lưu lượng phun 2,4 lít/phút. Được trang bị lưu lượng kế điện từ kép, mang lại hiệu quả phun đồng đều hơn, xác định liều lượng phun chính xác hơn và giúp tiết kiệm thuốc sử dụng. Ước tính phun thuốc bằng máy bay giúp giảm 30% lượng thuốc và 90% nước, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí. Cấu trúc của máy bay chắc chắn và nhỏ gọn, có thể gấp lại một cách nhanh chóng, thuận tiện khi mang theo và quá trình vận chuyển dễ dàng hơn.
Đối với bà con nông dân, khi sử dụng dịch vụ của Công ty AgriDrone ở một số công đoạn: phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo hạt, rải phân bón… đem lại nhiều lợi ích của bà con trong việc giải quyết sự thiếu hụt nhân công, đảm bảo sức khỏe vì tránh tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc trừ sâu, tránh giẫm đạp lên ruộng lúa hay xử lý các vườn cây cao. Và đặc biệt quan trọng là xử lý kịp thời được vấn đề thời gian thực hiện công việc, nâng cao hiệu quả diệt trừ sâu bệnh.
Tuy nhiên, việc sử dụng máy bay phun thuốc là thiết bị công nghệ cao, người điều khiển cần phải có trình độ hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin và quy định pháp luật trong quá trình sử dụng. Nhằm giải quyết vấn đề này, AgriDrone Việt Nam hợp tác thành lập các trạm phun và đội bảo vệ thực vật sử dụng máy bay phun thuốc ở nhiều địa phương khác nhau với dịch vụ 24/7, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người nông dân, luôn sẵn sàng dập dịch kịp thời và nhanh chóng.
Với những kết quả ban đầu đạt được sẽ làm cơ sở cho tỉnh Hậu Giang tổ chức nhân rộng, góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng công nghệ vào đồng ruộng để nâng hiệu quả sản xuất cho người dân.
Tuấn Anh