00:00 Số lượt truy cập: 3040355

Hết mình xây dựng quê hương giàu đẹp 

Được đăng : 02/11/2022
Phát huy lợi thế người con dân tộc thiểu số, quen với nếp nghĩ, cách làm, văn hóa ứng xử của người Cơ Tu, chị Trần Thị Một, Ủy viên BCH Chi Hội Nông dân thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã tích cực vận động hội viên nông dân tích cực sản xuất, giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống của người Cơ Tu, tích cực bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.

dn-1-ok

Người dân Cơ Tu ở Thôn Tà Lang, Giàn Bí đã tích cực, chủ động phân loại rác tại nguồn

Hòa Bắc là xã miền núi của huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm hành chính huyện 40 km về phía Tây-Bắc, có diện tích tự nhiên là 343 km2; có dân số gần 3.500 người, trong đó hai thôn Tà Lang và Giàn Bí chủ yếu là người Cơ-tu. Địa hình của xã là đồi núi, nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Bạch Mã và Bà Nà – Núi Chúa. Trước năm 1997, người dân chủ yếu sản sản xuất nông nghiệp, đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhất là của bà con Cơ Tu còn nhiều thiếu thốn, trình độ văn hóa thấp.

Hòa Bắc thực sự thay da dổi thịt từ khi thành phố triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Đạt được kết quả đó, có sự đóng góp rất quan trọng của cán bộ, hội viên, nông dân trong xã.  Phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội Nông dân trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn, chị Một đã tham mưu đề xuất với BCH chi Hội chủ động tổ chức và vận động hội viên tham gia đều đặn các buổi tuyên truyền giáo dục, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, các hoạt động thiết thực bổ ích do chi Hội thôn và Hội cấp trên tổ chức. Bản thân chị trực tiếp đến từng nhà vận động thanh thiếu niên học sinh bỏ học trở lại lớp học; tuyên truyền, vận động thanh niên trong thôn không sử dụng ma túy, chất kích thích. Chị Một cũng đi đầu trong việc xóa bỏ, giảm bớt hủ tục trong hiếu hỉ, lễ tiệc....

Thực hiện chỉ tiêu thu nhập, phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, chị đã tích vận động hội viên nông dân làm kinh tế hộ như chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình góp phần xóa đói, giảm nghèo tại thôn. Hiện nay, gia đình chị nhận chăm sóc và bảo vệ 3 ha rừng do Nhà nước giao; chăn nuôi 02 con bò, nuôi gà thả đồi mỗi lứa gần 100 con để phục vụ cho khách du lịch, nhằm phát triển kinh tế gia đình. Từ việc làm của chị, người dân trong thôn nhận thấy lợi ích nên đã làm theo.

Năm 2015, Hội Nông dân huyện Hòa Vang đứng tên triển khai thực hiện dự án “Góp phần bảo vệ đa dạng sinh học vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và Vườn Quốc gia Bạch Mã kết hợp với bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng”. Dự án đã hướng tới 3 mục tiêu: Nâng cao năng lực và nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng; Bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu; Khôi phục và duy trì cảnh quan hướng tới phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, đồng bào dân tộc Cơ Tu. Để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc mình, với khao khát khôi phục lại tiếng chiêng, tiếng hát trên thôn bản, chị đã học cách múa từ các già làng, các mế. Vận động thanh niên buổi tối ra nhà Gươl làng để học lại điệu múa. Từ khi đội văn nghệ được thành lập, chị Một đã liên kết với các đơn vị du lịch để đội văn nghệ được biểu diễn cho khách, góp phần quảng bá văn hóa Cơ Tu. Chị là thành viên nòng cốt trực tiếp tham gia trong tổ dệt Thổ Cẩm tại thôn nhằm khôi phục lại nghề truyền thống của đồng bào dân tộc nhằm tạo việc làm cho chị em là nữ của thôn tăng thêm thu nhập, bên cạnh phục vụ cho khách tham quan du du lịch sinh thái tại địa phương.

Hai thôn Tà Lang và Giàn Bí của xã Hòa Bắc sở hữu những cánh rừng nguyên sinh đa dạng, các dòng sông, suối, thác ghềnh tuyệt đẹp, gần như nguyên vẹn nét hoang sơ tự nhiên nên thu hút nhiều khách du lịch lên cắm trại ven bờ suối vào cuối tuần. Để bảo vệ môi trường, xây dựn quê hương xanh – sạch – đẹp, chị cùng chi Hội đã nhiều lần ra quân dọn vệ sinh, đồng thời cùng với các đoàn viên đến những khu du lịch, điểm du lịch, ven các suối để tuyên truyền, vận động khách du lịch bảo vệ môi trường, không gạt than xuống sông, suối... Chị đã đề xuất triển khai mô hình “Thùng rác văn minh” vận động hội viên nông dân là phụ nữ phân loại rác thải tại nhà, tận dụng các loại rác tái chế để bán, góp phần thực hiện có hiệu quả thực hiện cuộc vận động “Xây dựng người cán bộ Hội và nông dân tiêu biểu xuất sắc làm theo Bác Hồ” do Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng phát động. Về Hòa Bắc những ngày này, các con đường bê tông giờ được phủ xanh mát bởi những hàng cây và hoa ven đường. Người Cơ Tu ở hai thôn đã biết bảo vệ môi trường bằng cách không đốt túi nylon, vứt rác sai quy định. Rác được phân loại tại nguồn và làm thành các chế phẩm sinh học thân thiện môi trường...

Ngày nay, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân Hòa Bắc và 2 thôn Giàn Bí và Tà Lang đã thay đổi rất nhiều, trở thành điểm đến hấp dẫn trong mô hình du lịch cộng đồng mà đề án đang thực hiện. Nhờ tích cực thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thông mới, sự phấn đấu, đóng góp của người dân địa phương, Năm 2017, Hòa Bắc được công nhận là xã nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2016, hiện nay xã tiếp tục triển khai  lộ trình xây dựng thôn kiểu mẫu.

Chung Anh