00:00 Số lượt truy cập: 2637529

Hiệu quả của Mô hình HTX Nông nghiệp Rạch Lọp, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh 

Được đăng : 16/04/2019



Trước khi thành lập HTX, thành viên ban sáng lập và tất cả xã viên được Chính quyền, Hội Nông cấp xã tuyên truyền sâu rộng về chủ trương chính sách, quyền lợi khi tham gia HTX, bản chất của HTX kiểu mới và luật HTX năm 2012, tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo kế hoạch xây dựng mô hình HTX nông nghiệp Rạch Lọp trở thành HTX nông nghiệp kiểu mới, tuy nhiên do xuất phát điểm về mọi mặt thấp nên việc tuyên truyền vận động hết sức khó khăn, do tập quán canh tác, đặc thù là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với cách làm linh hoạt của toàn hệ thống chính trị của xã, kết hợp thông qua các vị sư sãi trong chùa, người có uy tín để vận động bà con tham gia HTX. Năm 2016 HTX được thành lập với 335 thành viên tham gia và sau 2 năm đi vào hoạt động, mỗi năm có trên 100 hộ nông dân đăng ký tham gia thành viên HTX, nâng tổng số đến nay 514 thanh viên tham gia và góp vốn. Khi thành lập với vốn điều lệ trên 1 tỷ đồng, có tổng diện tích sản xuất trên 430 ha (Hiệu quả mang lại cho các thành viên đó là khi chưa tham gia vào HTX có chi phí sản xuất cao, giá cả thì bị thương lái ép. Tham gia vào HTX được đầu tư từ giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu… đều được mua với giá rẻ và đảm bảo chất lượng, được hướng dẫn KHKT chăm sóc tận tình, đến khi thu hoạch HTX lo về đầu ra sản phẩm, hàng hóa …).

Khi mới thành lập, HTX gặp không ít khó khăn như chưa có trụ sở làm việc và kho chứa vật tư, được sự quan tâm Đảng uỷ, UBND xã bố trí được  phòng làm trụ sở tạm và 1 phòng để làm kho dự trữ lúa giống, phân, thuốc. thành viên ban sáng lập cũng là nhưng người mới, trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động HTX, nhưng với sự quyết tâm và sát cánh với HTX của Đảng uỷ, UBND xã đến nay HTX được UBND huyện Tiểu Cần chọn thực hiện thí điểm mô hình liên kết tại huyện Tiểu Cần.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Trà Vinh về xây dựng “Cánh đồng lớn”, của tỉnh nhằm phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thúc đẩy nhanh chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…Nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng và phát triển các HTX theo mô hình kiểu mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, thông qua HTX để tiếp sức, hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Đồng thời tỉnh đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ đối với tổ chức tổ hợp tác, HTX. Khi thực hiện “cánh đồng lớn” trồng lúa, được tỉnh Trà Vinh hỗ trợ chi phí cho các thành viên về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, tiền thuê máy móc sản xuất với mức 450.000 đồng/ha/vụ năm đầu và 300.000 đồng/ha/vụ năm thứ 2. Việc triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất cánh đồng lớn, góp phần cho HTX phát triển sản xuất và đi vào hoạt động ổn định, bền vững qua từng năm.

Năm 2017, HTX đã bổ sung thêm kinh doanh dịch vụ, mở rộng lĩnh vực hoạt động nhằm liên kết cung cấp vật tư nông nghiệp, các dịch vụ thủy lợi nội đồng, khai thác quản lý chợ, HTX được UBND xã Tân Hùng giao quản lý, khai thác trạm bơm nước phục vụ cánh đồng lớn 193 ha Mô hình sản xuất lúa hữu cơ vi sinh trong cánh đồng lớn kết quả đạt được sản lượng 7,8 tấn/ha, cao hơn so với cùng một diện tích đất sản xuất thì lúa sản xuất đại trà là 6,3 tấn/ha, đã giảm chế chi phí đầu vào và tăng năng suất và giá trị đầu ra, từ đó đem lợi nhuận tăng thêm cho thành viên từ 10% đến 15% tổng doanh thu so với sản suất đại trà truyền thống. Tiết kiệm được một lượng lớn phân bóa hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, từ đó sản xuất lúa theo mô hình lúa hữu cơ vi sinh được thành viên HTX hưởng ứng tích cực, từ đó những hộ nông dân bên ngoài làm đơn tự nguyện xin tham gia HTX; hội viên nông dân thấy được lợi ích của HTX như: việc tăng năng suất và giá trị do hạn chế sử dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật, giảm tối đa ô nhiễm môi trường sản xuất,  không khí, đất, nước, đảm bảo sức khoẻ con người và vật nuôi; nền nông nghiệp bền vững, an toàn thân thiện với môi trường, cải tạo và tăng độ phì nhiêu của đất; chất lượng sản phẩm nâng cao (vùng sản xuất lúa gạo an toàn chất lượng cao) được người tiêu dùng tín nhiệm.

Định hướng cho hoạt động năm 2019, HTX tiếp tục tìm đầu vào và đầu ra tốt nhất để hỗ trợ nông dân trong và ngoài thành viên HTX, nâng cao chất lượng các dịch vụ HTX đang thực hiện đồng thời phát triển thêm các dịch vụ mới như: liên kết với Cty Cổ phần Trà Bắc Trà Vinh sơ chế dừa trái, liên kết sản xuất lúa theo qui trình Hữu cơ vi sinh để xây dựng thương hiệu gạo HTX nông nghiệp Rạch Lọp, song song đó HTX tiếp tục tìm các đối tác đầu tư các sản phẩm vi sinh, làm mô hình thí điểm sau đó tổ chức đánh giá hiệu quả và nhân rộng tại địa phương.

T.P