00:00 Số lượt truy cập: 2991166

Hiệu quả của mô hình sản xuất rau an toàn 

Được đăng : 16/09/2019

 

nam-dinh

Mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Yên Cường, huyện Ý Yên, Nam Định

Là xã thuần nông, Yên Cường, Ý Yên, Nam Định có thế mạnh trong sản xuất cây màu của huyện tuy nhiên tình trạng sử dụng hóa chất tràn lan trong sản xuất, bảo quản gây nên mối lo ngại cho sức khỏe người tiêu dùng. Để hướng đến nền nông sản sạch, không chỉ có vai trò của ngành quản lý mà cần có sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể trong công tác vận động nâng cao ý thức người dân tham gia sản xuất. Đầu năm 2016, theo chương trình hợp tác đã được lãnh đạo tỉnh khơi sự ký kết, trước đó đoàn công tác của tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) đã về xã Yên Cường thăm quan và trao đổi với bà con nông dân, tìm hiểu tập quán sản xuất của địa phương, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm làm nông nghiệp của Nhật Bản, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp của địa phương và biện pháp khắc phục để đạt mục tiêu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tiến tới ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Đặc biệt sau khi UBND xã thăm quan học tập mô hình sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Miyazaki Nhật Bản, được UBND tỉnh quyết định cho xã triển khai mô hình sản xuất phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản. Để thực hiện chủ trương và các định hướng đó, Hội Nông dân xã vận động các hộ nông dân thực hiện sản xuất phân bón hữu cơ để sử dụng trong canh tác, trả lại độ phì cho đất với công nghệ do các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao. Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung tổ chức tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ quy trình sản xuất phân hữu cơ cũng như lợi ích đối với sản xuất và môi trường sống lâu dài để tự nguyện tham gia thực hiện dự án. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia tỉnh Miyazaki, xã Yên Cường đã tổ chức triển khai thành công phân bón hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn của Nhật. Theo đó, rác thải sinh hoạt được người dân phân loại ngay từ mỗi hộ gia đình; phụ phẩm, phế thải của sản xuất nông nghiệp như phân lợn, trâu, bò, gà, rơm rạ… được nhân viên vệ sinh của xã thu gom theo định kỳ để làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ.

Ngoài việc vận động hội viên, nông dân tham gia sản xuất phân bón hữu cơ, các thành viên tham gia sản xuất rau hữu cơ còn được tạo điều kiện về đất canh tác, được tập huấn về khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật. Trước khi thực hiện mô hình, người nông dân được Hội Nông dân huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn như: Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông khuyến lâm....tổ chức các lớp tập huấn theo phương pháp hiện trường về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản rau, củ theo phương pháp hữu cơ... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nên trong quá trình sản xuất, các thành viên tham gia mô hình đã tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật. Việc sản xuất nông sản hữu cơ chủ yếu tập trung vào trồng rau với hơn 20 loại, được trồng theo hình thức luân canh và xen canh, nên bảo đảm nhu cầu phong phú của người tiêu dùng. Rau giống do Trung tâm giống cây trồng của tỉnh trực tiếp cung cấp. Người sản xuất chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Các hộ tham gia mô hình cũng đặc biệt chú ý đến nguồn nước tưới được sử dụng là nước giếng khoan hoặc nước máy.Kết quả cho thấy, các loại rau trong mô hình có sử dụng phân bón hữu cơ sinh trưởng, và có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, năng suất lại tăng khoảng 10% so với cùng diện tích đối chứng, giá rau bán ra thị trường cũng cao hơn so với rau cùng loại từ 10-20%.

Đến nay, Hội Nông dân xã đã vận động được 30 hộ hội viên nông dân ở hai xóm Chính và Phú Bình cho thuê đất đồng thời tham gia sản xuất rau hữu cơ với tổng diện tích 5 ha. Vụ Đông này chủ yếu sản xuất rau bắp cải, xu hào, súp lơ, rau dền… Rau sau khi thu hoạch xã Yên Cường đã liên kết với công ty TNHH Rau sạch Ngọc Anh và Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh Nam Định trong việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra.

Mô hình sản xuất rau an toàn được triển khai trong thời gian qua 
đã giúp cho người nông dân tiếp cận với phương thức canh tác, khoa học, mang lại hiệu quả kinh tế cao, dần thay thế lối canh tác cũ từ việc nắm bắt kỹ thuật mới về kiểm soát lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, tình hình sâu bệnh, bảo đảm theo tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn, đáp ứng thị trường, đây thực sự là hướng đi bền vững, giúp người nông dân vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình./.

 

Thu Nga  - Vũ Thị Kim Oanh