Các hộ tham gia dự án được nhà nước hỗ trợ về con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, máy sục khí, hỗ trợ làm lồng. Dự án đã tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá chiên bằng lồng cho 60 hộ nuôi cá lồng trong và ngoài dự án trên địa bàn 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, mỗi lớp 30 người. Sau lớp tập huấn bà con đã nắm bắt được quy trình kỹ thuật nuôi cá lồng, kỹ thuật nuôi thương phẩm và quản lý dịch bệnh cá chiên trong lồng, do giảng viên Viện Thủy sản I giảng bài. Tổ chức đào tạo lần 1 cho 10 kỹ thuật viên là cán bộ Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn, cán bộ dự án của 2 tỉnh, cán bộ kỹ thuật tại 2 tỉnh tham gia dự án về quy trình kỹ thuật thiết kế, cải tạo và lắp ráp lồng bè, quy trình kỹ thuật lựa chọn và thả cá giống. Ngoài ra, các hộ tham gia dự án còn được Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I là đơn vị chuyển giao các quy trình kỹ thuật về nuôi cá chiên, được cán bộ kỹ thuật theo dõi từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc dự án, mỗi tỉnh có 2 cán bộ kỹ thuật theo dõi hàng ngày.
Đối tượng nuôi là cá chiên, giống cỡ 60g/con, kích cỡ giống 20cm/con, mật độ thả 15con/m3. Diện tích lồng nuôi 9m3/lồng, thời gian nuôi là 18 tháng. Sau thời gian nuôi 10 tháng cá chiên đạt tỷ lệ sống trên 80%, cá chiên đạt cỡ 500g -700g/con, cỡ cá đạt khi thu hoạch dự kiến từ 1.3-1.5kg/con.
Qua triển khai thực hiện dự án bà con nông, ngư dân được nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm về nuôi chiên bằng lồng trên sông. Thông qua dự án này, bà con nông ngư dân sẽ thay đổi tập quán nuôi trồng thủy sản tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, sang nuôi tập trung tạo sản phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường nước. Đồng thời qua những kết quả đã đạt được, Hội Nông dân của 2 tỉnh xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình cho các hộ trong tỉnh có nhu cầu về nuôi cá lồng trên địa bàn./.
Thanh Loan