00:00 Số lượt truy cập: 2986576

Hiệu quả mô hình nuôi lợn đen bản địa 

Được đăng : 14/08/2023

31234567

Mô hình nuôi lợn đen bản địa của gia đình chị Vi Thị Nghĩa

Tà Cạ là một trong những xã điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Những năm gần đây, nhờ được tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tham gia phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình đã và đang tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và từng bước mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Gia đình chị Vi Thị Nghĩa ở bản Cánh, xã Tà Cạ là một điển hình về chăn nuôi lợn đen bản địa của địa phương. Đây là một trong những hộ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại và mua giống lợn đen địa phương về nuôi. Lợn đen bản địa là đặc sản miền núi. Đây là một trong những giống lợn có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống, nhất là những nơi rộng rãi, núi đồi. Với ưu điểm thịt lợn sạch, thơm ngon, săn chắc, nên rất được khách hàng ưa chuộng. Tại các huyện vùng cao như của tỉnh Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong; giống lợn đen chủ yếu nuôi thả rông, ăn rau rừng, chuối, khoai, sắn... nên thịt săn chắc, thơm ngon, ăn thịt mỡ giòn không bị ngấy, nên được khách hàng rất ưa chuộng. Những năm đầu do chưa hiểu biết về kiến thức chăn nuôi, vốn đầu tư còn ít nên lợn chậm lớn, lông dày, thân nhỏ, khả năng sinh sản kém, chất lượng thịt không ngon nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhờ siêng năng, ham học hỏi nên những năm gần đây chăn nuôi đã đem lại hiệu quả bước đầu cho gia đình chị. Hiện tại gia đình chị đang duy trì 2 con lợn nái, 20 con lợn có trọng lượng khoảng 13 - 15 kg/con và 10 con lợn thịt trọng lượng 50 - 60 kg/con.

Chị Nghĩa cho biết: “Theo chu kỳ sinh sản, cứ khoảng 4 tháng thì gia đình tôi lại xuất bán được 1 lứa lợn giống, trung bình 8 - 10 con/lứa. Trong 8 tháng đầu năm 2022, gia đình tôi xuất bán được 2 lứa cả lợn thịt lẫn lợn giống và thu về hơn 50 triệu đồng tiền lãi. Nuôi lợn rất đơn giản, gia đình tôi thường tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như hèm rượu, cám ngô, khoai lang... Để phòng tránh dịch bệnh cho đàn lợn, tôi thường xuyên tiêm phòng và phun khử trùng vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; nếu áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo đúng phương pháp được tập huấn thì kết quả rất tốt”.

Còn gia đình chị Vi Thị Tràng ở bản Cánh cũng phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi lợn thịt. Trao đổi với chúng tôi, chị Tràng phấn khởi chia sẻ: từ khi nuôi lợn đen, chị xuất bán được rất nhiều lứa lợn thịt. Lợn nuôi khoảng 5 - 6 tháng sẽ đạt trọng lượng 50 - 60 kg/con và có thể xuất bán. Với giá bán hiện tại là 70.000 đồng/kg, một năm xuất chuồng 2 lứa, trừ chi phí, gia đình chị còn thu được khoảng 40 triệu đồng/năm. “Giống lợn đen rất thích nghi với điều kiện khí hậu và địa hình của địa phương, tuy nhiên, tôi phải thường xuyên nắm bắt thông tin về kỹ thuật chăn nuôi, thời tiết để theo dõi dịch bệnh cho đàn gia súc để tránh những tổn thất không đáng có.” - chị Tràng nói.

Hiệu quả kinh tế mà giống lợn đen địa phương đem lại là rất khả quan. Về lâu dài, xã Tà Cạ khuyến khích người dân tự nhân giống lợn đen bản địa, phát triển chăn nuôi theo hướng thực phẩm sạch bằng các thức ăn sẵn có của địa phương để giữ được chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường. Có thể nói, mô hình phát triển chăn nuôi lợn đen theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô nhỏ trên địa bàn xã Tà Cạ đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Vân Anh